Để kinh tế tư nhân sáng tạo không giới hạn
Đừng làm mất giá trị thật của các ưu đãi | |
Động lực quan trọng phát triển kinh tế |
Ban chấp hành Trung ương vừa ban hành 3 Nghị quyết của Hội nghị trung ương 5: Nghị quyết 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.
DN tư nhân không thể lớn nếu DNNN không đổi mới, nếu thể chế kinh tế thị trường không hoàn thiện |
Nghị quyết 11 nêu rõ quan điểm chủ đạo là DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Nghị quyết đặt mục tiêu: từ nay đến năm 2020 tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới DNNN phấn đấu hoàn thành thoái vốn tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ. Đến năm 2030 hầu hết các DNNN có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là DN cổ phần.
Nghị quyết số 10 xác định kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu DN; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu DN và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu DN và nhiều DN tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Và để thực hiện các Nghị quyết vừa ban hành, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhắc lại : “DNNN phải rút mạnh khỏi những nơi mà DN tư nhân làm được. Các cơ chế can thiệp hành chính trực tiếp, bao cấp dành cho DNNN, nhất là trong tiếp cận nguồn lực Nhà nước sẽ phải chấm dứt”. Ông cho rằng: “Lúc này, các ưu thế để cạnh tranh là hiệu quả, sáng tạo, công nghệ. Đây chính là cơ hội của người dân, của khu vực kinh tế tư nhân với sức sáng tạo không giới hạn”.
Trên khía cạnh hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và cải thiện quản trị công ty, việc chuyển DNNN thành công ty cổ phần như định hướng tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII cũng là một bước khởi đầu cần thiết, theo ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM.
Nhưng vấn đề quan trọng không nằm ở số lượng DN chuyển đổi, mà là đóng góp thực sự tích cực và hiệu quả của CPH và cải cách DNNN vào tái cơ cấu kinh tế và sự phát triển của đất nước. Và “Nếu không có thay đổi thực chất về thể chế, cơ chế và cách thức triển khai thì CPH sẽ tiếp tục gặp phải những khó khăn như thực tiễn 10 năm qua”.
“Giá như Nghị quyết ra sớm hơn 5-10 năm thì khu vực DNNN chắc chắn sẽ không gây ra những hệ lụy lâu dài như vừa rồi. Nghị quyết cần phải được hiện thực hóa ngay”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư GP Invest phát biểu.
Là một người đã có 20 năm kinh nghiệm điều hành DNNN, ông Hiệp cho rằng khi tỷ lệ vốn Nhà nước trong DN còn cao thì dấu ấn của cơ chế và tư duy quản lý Nhà nước vẫn rất đậm, có những ước lệ không vượt qua được, khiến quản trị DN rất khó.
Đã vậy, lãnh đạo DNNN hiện đang làm công ăn lương, nếu có lãi cũng không hưởng nhiều hơn, nếu có tội thì chịu cả. “Liệu có ai dám chấp nhận rủi ro cá nhân để sáng tạo, để cải tiến, để tìm đường cho DN không? Làm kinh doanh mà lãnh đạo không có dư địa để xả thân thì DN không thể bứt phá”, ông Hiệp chia sẻ.
Nghị quyết của Ban chấp hành trung ương sẽ sớm tháo bỏ rào cản đang khiến cho kinh tế tư nhân chưa phát huy được hết tiềm năng để thực sự đóng vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế, đang là kỳ vọng lớn.
"Vấn đề quan trọng nhất và là nhiệm vụ chính của đất nước ta giai đoạn này là phải đổi mới khu vực chủ đạo là DNNN và phát triển kinh tế tư nhân - động lực của nền kinh tế. Hiện chúng ta có nhiều DN nhưng còn rời rạc, bản thân từng DN yếu sức, liên kết còn lỏng lẻo nên chưa thành một lực lượng. DN tư nhân không thể lớn nếu DNNN không đổi mới, nếu thể chế kinh tế thị trường không hoàn thiện” - PGS.TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu đại ý như vậy.
Và để có lực lượng DN hùng hậu DN trong nước cần liên kết lại. Muốn vậy, cần có các chính sách giúp tăng cường liên kết giữa các DN tư nhân trong nước và khu vực nước ngoài sử dụng nhiều công nghệ. Để kết nối được với các tập đoàn đa quốc gia, Việt Nam cần thúc đẩy các hoạt động phát triển công nghệ, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo.
Rất nhiều giải pháp và khuyến nghị chính sách đã được các chuyên gia và giới DN bàn luận. Nhưng tựu chung lại nền tảng cơ bản cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển và DNNN đổi mới thực sự là hoàn thiện thể chế, phân bổ nguồn lực để các nguồn lực được huy động và sử dụng có hiệu quả cao, nhất là các nguồn lực của nhà nước.
Bên cạnh đó cần có những giải pháp đột phá để chấm dứt cơ chế xin - cho. Khi nguồn lực được phân bổ đúng theo tinh thần của nền kinh tế thị trường hiện đại, khi mọi nguồn lực được khuyến khích, được khơi dậy và khu vực kinh tế tư nhân sẽ bật dậy với sức sáng tạo không giới hạn, đất nước sẽ có được động lực mạnh và khu vực chủ đạo vững vàng.