Chính sách quản lý vàng: Khó có chuyện “đập đi xây lại”
Huy động vốn trong dân, bài toán có dễ giải? | |
Quan trọng ổn định giá trị đồng tiền | |
Tỷ giá đã bớt nhạy cảm với vàng |
Thị trường vàng quốc tế nửa đầu năm 2016 không bình yên như vài năm trước đó. Sự biến động của giá vàng thế giới đã tác động đến thị trường vàng trong nước và ở nhiều thời điểm như muốn “thử thách” chính sách quản lý, điều hành thị trường này.
Ảnh minh họa |
Tâm “sóng” của thị trường được bắt nguồn từ sự kiện Brexit cuối tháng 6 vừa qua đã khiến giá vàng thế giới tăng chóng mặt và tác động tới giá vàng trong nước. Đặc biệt, thị trường đã chứng kiến một tuần biến động kỷ lục của giá vàng. Hình ảnh những dòng người xếp hàng mua vàng trở lại sau 4 năm vắng bóng (trừ xếp hàng mua vàng lấy may Ngày Thần tài).
Khởi đầu đợt biến động giá này khi ngày 4/7, giá vàng SJC mua vào 36,03 triệu đồng/lượng, bán ra 36,61 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó tăng lên xấp xỉ 40 triệu đồng/lượng vào ngày 6/7, nhưng kết thúc tuần giá vàng chỉ còn 36,55 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, sau tuyên bố cứng rắn của NHNN thì thị trường vàng đã trở lại ổn định sau một tuần có chút căng thẳng. Điều này cũng được các chuyên gia kinh tế phân tích, chứng tỏ, sự căng thẳng của thị trường do tâm lý.
Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho rằng, sau khi có sự dao động lớn về giá, NHNN có thông điệp tuyên bố kịp thời “nguồn cung vàng không thiếu” đã giúp giá vàng trong nước giảm mạnh, thị trường ổn định trở lại.
Nhìn lại thị trường vàng những tháng qua, ông Nguyễn Thành Long cho rằng, biến động của giá vàng thời gian vừa qua là bình thường bởi có tác động mạnh từ sự kiện Brexit.
Về cơ bản, theo ông Long, sau thời gian thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ - CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thị trường đã thu hẹp. Người dân mua vàng chủ yếu tích trữ với mong muốn làm của để dành phòng khi “trái gió trở trời”, giữ vàng để bảo đảm tài sản là chính.
“Mặc dù, khi giá vàng biến động liên tục, một số người có “máu” kinh doanh vàng cũng hy vọng kiếm được chênh lệch, đem bán khiến thị trường có xao động ở vài thời điểm nhưng về cơ bản người dân họ cũng thấy rõ sự rủi ro khi đầu tư vàng” – ông Long nói.
Tuy vậy, việc thay đổi hay giữ nguyên sự kiên định với Nghị định 24 chắc chắn vẫn sẽ là vấn đề được dư luận và giới chuyên gia quan tâm, nhưng thực tế cho thấy, các giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định 24 vẫn đang đúng hướng.
NHNN đã nhiều lần khẳng định trước Quốc hội rằng, vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường vàng đã được nâng cao. Toàn bộ quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã chuyển hoàn toàn sang quan hệ mua, bán vàng; tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn. Đặc biệt, tình trạng sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã được chấm dứt.
Thông điệp NHNN đưa ra là trong thời gian tới sẽ tiếp tục các giải pháp đồng bộ để đảm bảo thị trường vàng duy trì ổn định, sử dụng nguồn lực bằng vàng trong nước để tự cân đối. Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan trong việc triển khai các giải pháp đồng bộ, linh hoạt nhằm thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng và nâng cao lòng tin của người dân vào giá trị đồng Việt Nam.
TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia NH cho rằng, chủ trương chống vàng hóa của Chính phủ, NHNN thời gian qua là đúng đắn và đã mang lại hiệu quả. Với nền tảng ban đầu của thị trường vàng và với định hướng của Chính phủ tiếp tục điều hành ổn định kinh tế vĩ mô sẽ hỗ trợ cho việc chống vàng hóa.
PGS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, với điều hành và quản lý thị trường vàng, đang nằm trong tổng thể thị trường tài chính và tiền tệ, trong bối cảnh nước ta hiện nay thì vàng còn liên quan nhiều đến giá, tỷ giá nên chúng ta cần phải tiếp tục duy trì kiên định trong quản lý.
Chính vì vậy, rất khó chính sách quản lý thị trường vàng sẽ thay đổi theo kiểu “tân quan, tân chính sách” như đã từng diễn ra.