Chính sách tiền tệ cần đi trước một bước
Chủ động điều hành CSTT góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng | |
Khi chính sách tiền tệ hỗ trợ tài khóa | |
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt |
Để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, một trong những mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) năm 2016 là ổn định lãi suất và giảm lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực, ngành trọng yếu của nền kinh tế.
Để đạt được mục tiêu này, trong 6 tháng đầu năm 2016, NHNN đã áp dụng nhiều biện pháp, chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí, sử dụng các công cụ CSTT để điều tiết lãi suất thị trường không vượt lãi suất mục tiêu, tăng cường giám sát việc thực hiện trần lãi suất huy động của các NHTM…
Chính vì vậy, mặc dù lạm phát có xu hướng gia tăng, song về cơ bản lãi suất biến động trong biên độ hẹp, lãi suất cho vay ở các lĩnh vực, ngành trọng yếu giảm nhẹ…
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, trong những ngày đầu tháng 7, một số NHTM tăng lãi suất huy động ngắn hạn dưới 6 tháng lên sát trần quy định của NHNN, mặc dù thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào và một số các NHTM nâng lãi suất huy động trung và dài hạn. Về việc nâng lãi suất trung và dài hạn, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, là do các NHTM đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06/2016/TT-NHNN.
Cụ thể, quy định về tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 60% xuống 50% kể từ ngày 1/1/2017 và xuống 40% kể từ ngày 1/1/2018 khiến nhu cầu vốn trung và dài hạn tăng lên đáng kể, trong bối cảnh tín dụng trung và dài hạn ngày càng chiếm tỷ trọng lớn. Đây có thể là một nguyên nhân có tính dài hạn của các NHTM.
Song một câu hỏi đặt ra là tại sao khi thanh khoản dồi dào mà các NHTM vẫn tăng lãi suất huy động ngắn hạn sát với trần quy định của NHNN? Một thực tế cho thấy, lãi suất hiện nay ngoài chịu tác động của yếu tố cung cầu về vốn, còn chịu áp lực không ít từ xu hướng lạm phát gia tăng. Áp lực tỷ giá và vấn đề cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường bằng lãi suất của các NHTM mặc dù không lành mạnh nhưng vẫn đang diễn ra.
Với bản chất, CSTT đòi hỏi phải có một khoảng thời gian nhất định để phát huy tác dụng ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế, vấn đề này được biết đến với tên gọi là độ trễ chính sách. Vì vậy, các NHTW không thể ngồi đợi cho đến khi lạm phát thực tế đã tăng hoặc nền kinh tế đã rơi vào vòng xoáy suy thoái rồi mới hành động. Do đó, chính sách của NHTW phải đi trước một bước so với những biến chuyển liên tục của nền kinh tế. Nếu không, phản ứng chính sách sẽ thường chậm nhịp và không phát huy hết hiệu quả.
Chính vì vậy, thời điểm này việc điều tiết cung cầu vốn một cách linh hoạt để đảm bảo lãi suất liên NH xoay quanh mức mục tiêu, thì việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tăng trưởng, cùng với việc hướng dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế vẫn là giải pháp rất quan trọng hiện nay.
Kết quả tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên 6 tháng đầu năm 2016, tuy có những tăng trưởng khá nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chung và hiện vẫn đang chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Ngoài ra, thắt chặt kỷ luật thị trường cũng tiếp tục được quan tâm để hạn chế cạnh tranh lãi suất.