Cho vay chế biến nông sản: Lãi ít nhưng chắc ăn
Chênh lệch thu chi giảm
Lãnh đạo các chi nhánh thuộc NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) gần đây phải xoay xở nguồn vốn để hạn chế lỗ khi lãi suất huy động trên thị trường giảm mạnh. Ông Lê Trung Hậu, Phó giám đốc Agribank chi nhánh Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay sau khi cộng mọi chi phí quý I và II năm 2014 lần lượt còn khoảng 0,6%, 0,7%.
Chính sách tín dụng ưu đãi đầu tư vào nhà máy chế biến kỳ vọng tác động vào nông thôn
Theo Báo cáo của Chi nhánh này trong nửa đầu năm 2014, trong tổng nguồn vốn lên đến 3.800 tỷ đồng, thì có đến 92% tiền gửi tiết kiệm dân cư với mức lãi suất cao. Nguồn vốn ở đơn vị này có thêm được khoảng 60 tỷ đồng hàng tháng từ số dư chi trả lương qua thẻ, tuy rằng ổn định nhưng không có kỳ hạn nên Chi nhánh rất khó cơ cấu vào các khoản đầu tư.
Trong khi đó, Agribank là định chế tài chính nhà nước nên phải thực hiện hầu hết các chương trình hỗ trợ sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Ví như cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn bị giới hạn trần lãi suất không quá 7%/năm. Ở những địa bàn sản xuất nông nghiệp hàng hóa như ĐBSCL, các chi nhánh Agribank luôn trong trạng thái nguồn vốn huy động không đủ khả năng cấp tín dụng tại chỗ. Nhiều chi nhánh phải điều vốn từ các địa phương khác trong hệ thống NH này về cho vay nông nghiệp nông thôn với lãi suất thấp. Cho vay nông nghiệp nông thôn có trần lãi suất nhưng huy động vốn thì nằm trong quy định chung trên thị trường nên giá vốn đầu vào đầu ra càng bị thu hẹp.
Chính sách tiền tệ luôn có một phần bù đắp bằng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi đối với những NH thực hiện cho vay nông nghiệp nông thôn có tỷ trọng cao. Hiện có 5 TCTD có tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn từ 40% đến dưới 70% trên tổng dư nợ, nên theo quy định của NHNN chỉ phải chịu tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND dưới 12 tháng bằng 20% so với mức chung của các NHTM khác trên thị trường.
Theo quy định trường hợp cho vay nông nghiệp nông thôn có tỷ trọng trên 70% tổng dư nợ thì tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ còn bằng 1/20 tùy từng kỳ hạn tiền gửi so với mặt bằng chung. Chính nhờ quy định này của NHNN đã trực tiếp tạo ra vốn giá rẻ và khuyến khích các NH dồn tín dụng về địa bàn nông thôn, tập trung cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến thủy sản xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp...
Ngại cho vay
Theo TS. Võ Trí Thành, tỷ suất lợi nhuận đầu tư nông nghiệp hiện nay chỉ ở mức dưới 3%, chưa kể rủi ro cao do thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản vẫn còn bấp bênh. Bên cạnh đó, lãnh đạo một số NH phản ảnh rằng, gần đây áp dụng các tiêu chuẩn trích lập dự phòng và phân loại nợ theo chuẩn quốc tế (Thông tư 02 và 09) đã làm “nhảy” nhóm nợ rất nhanh ở các khoản vay nông nghiệp.
Thực tế, nhiều sản phẩm của nhà nông ngoài tính thời vụ người nông dân còn trữ lại sau khi thu hoạch để chờ giá lên nên chưa thể trả nợ ngay cho NH. Điển hình như ở Agribank chi nhánh Hóc Môn, trong 6 tháng đầu năm 2014 đã phải trích lập dự phòng thêm hơn 30 tỷ đồng, gấp đôi so với mức trước khi áp dụng quy định mới về trích lập dự phòng.
Các TCTD rất thận trọng trong cho vay kinh doanh, dịch vụ phi nông nghiệp
Mặc dù Nhà nước đang khuyến khích nông nghiệp sản xuất lớn, từ đó hiệu quả chính sách tạo hiệu ứng lan rộng ra nông thôn, nhưng để vận hành suôn sẻ một dự án đầu tư mới cũng vẫn còn những vấn đề cần tháo gỡ. Như Công ty thủy sản Thông Thuận, năm 2013 đã được vay 125 tỷ đồng vốn hỗ trợ sản xuất sau thu hoạch theo Nghị định 63 và 65 của Chính phủ để xây dựng Nhà máy số 3, với tổng vốn đầu tư lên tới 270 tỷ đồng, chế biến tôm xuất khẩu sang Nhật Bản và EU.
Ông Bùi Công Mẫn, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của công ty cho biết, sau khi Nhà máy hoàn thành giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản, để vận hành từ năm 2015, mỗi năm nhu cầu vốn lưu động để nhà máy hoạt động hết công suất thiết kế cần khoảng 700 tỷ đồng vốn lưu động và ông rất kỳ vọng sẽ có NH cam kết cho vay khoản vốn trên với lãi suất ưu đãi.
Theo ông Bùi Công Mẫn, dự kiến nhà máy số 3 này hoạt động hết công suất sẽ tiêu thụ khoảng 30.000 tấn tôm thẻ chân trắng của nông dân Ninh Thuận, Bình Thuận và một phần tỉnh Phú Yên. Với khả năng được vay vốn tín dụng nông nghiệp với lãi suất ưu đãi ở giai đoạn vận hành, chi phí tài chính DN mỗi năm đã giảm được 1-2%.
Chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra trong các khoản vay nông nghiệp nông thôn bị thu hẹp đã phát sinh ra những bất cập giữa những địa bàn có nguồn vốn dư thừa. Nhiều chi nhánh Agribank ở các tỉnh phía Nam nằm trong các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh và vùng phát triển công nghiệp nên trong 8 tháng đầu năm nay, nguồn vốn huy động tăng 7% nhưng dư nợ tăng chỉ 1%, song các đơn vị vẫn thận trọng khi cho vay các khoản kinh doanh, dịch vụ hay đầu tư phi nông nghiệp vì sợ hiệu quả thấp.
Tâm lý này làm cho dòng vốn huy động bị ngưng trệ và tâm lý các NH chờ đợi có những dự án trung dài hạn mới bơm vốn ra để tận dụng các loại phí thanh toán và vốn lưu động đi kèm trong quá trình triển khai dự án trung dài hạn.
Phạm Hà Nguyên