Cho vay DN FDI cũng phải sàng lọc
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh |
Khu vực DN đầu tư nước ngoài (FDI) ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Vietcombank có những sản phẩm đặc thù nào để thu hút các DN này đến với mình?
Hiện nay, Vietcombank quan hệ với khoảng 10.000 DN trong tổng số 17.000 DN FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Vietcombank đã và đang cung cấp cho các DN này nhiều sản phẩm chủ chốt, thuộc các lĩnh vực thế mạnh truyền thống của mình.
Về quản lý tài khoản, Vietcombank cung cấp sản phẩm tài khoản vốn đầu tư, tài khoản thanh toán kết hợp dịch vụ trả lương, dịch vụ thanh toán thuế điện tử, quản lý vốn tập trung… Đồng thời, ngân hàng cũng đặc biệt chú trọng cải tiến sản phẩm Internet Banking để đáp ứng nhu cầu của các DN FDI vốn đã quen sử dụng các sản phẩm tiên tiến của các ngân hàng trên thế giới.
Về tín dụng, với nguồn thanh khoản dồi dào, chi phí đầu vào thấp và kinh nghiệm lâu năm, Vietcombank luôn cung cấp cho khách hàng các sản phẩm tín dụng với lãi suất cạnh tranh, các điều kiện tín dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của các DN FDI. Vietcombank cũng đang đẩy mạnh triển khai sản phẩm bao thanh toán chuyên biệt, tạo điều kiện cho DN FDI có đầu ra tốt sẽ được cấp tín dụng với hạn mức cao, lãi suất ưu đãi.
Với mua bán ngoại tệ, thanh toán quốc tế, Vietcombank luôn nắm giữ vị trí số 1 trên thị trường. Đây cũng là những nhu cầu quan trọng của các DN FDI vốn hoạt động nhiều trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Vietcombank cũng đã triển khai chương trình điều hòa tỷ giá, hỗ trợ các chi nhánh về giá mua bán ngoại tệ với khách hàng, từ đó thu hút dòng tiền của khách hàng tập trung về chi nhánh, thu được lợi ích tổng thể.
Đặc biệt, đối với các DN FDI lớn, Vietcombank thiết kế các gói giải pháp tài chính ngân hàng tổng thể theo kiểu “may đo”, đảm bảo khách hàng được cung cấp tất cả các sản phẩm với mức giá cạnh tranh nhất với những điều kiện rất linh hoạt, tương xứng với quy mô giao dịch tại Vietcombank.
Nhưng hiện nay, không ít dự án của các DN này chậm triển khai, không hiệu quả… Vietcombank đã thành lập Phòng Khách hàng FDI tại trụ sở chính nhằm sớm cung ứng được dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng FDI một cách nhanh nhất, tốt nhất, vậy ngân hàng sàng lọc các dự án FDI như thế nào?
Khi thẩm định, lựa chọn dự án FDI để tài trợ, Vietcombank tập trung đánh giá một số yếu tố quan trọng như: lịch sử, kinh nghiệm hoạt động trong ngành của công ty mẹ; quan hệ với các đối tác, đặc biệt là đầu ra của dự án...
Vietcombank ưu tiên lựa chọn các dự án FDI mà công ty mẹ đã có người mua truyền thống, ngành hàng đang trong giai đoạn phát triển tốt. Bên cạnh đó còn là năng lực tài chính của chủ đầu tư, khả năng huy động đủ phần vốn tự có tham gia dự án; kinh nghiệm, năng lực quản lý của ban lãnh đạo; tính khả thi của dự án, độ nhạy, hiệu quả tài chính của dự án…
“Tay không bắt giặc” là thực trạng hiện nay của một số nhà đầu tư FDI khi đến Việt Nam, Vietcombank phòng ngừa rủi ro trong với các trường hợp này như thế nào?
Tình trạng này chủ yếu xuất hiện ở các DN FDI hoạt động trong lĩnh vực gia công, đến Việt Nam để tận dụng ưu đãi về thuế, chi phí đất và nhân công rẻ. Những DN này thường dùng vốn tự có xây dựng nhà xưởng, nhập khẩu máy móc dây chuyền giá trị không lớn nhưng nâng khống giá trị, tạo ra mức vốn góp ảo.
Do đó trong quá trình thẩm định, Vietcombank luôn đặc biệt chú trọng đánh giá năng lực tài chính, nguồn gốc tiền vốn góp của chủ đầu tư; định giá kỹ dây chuyền máy móc; mức độ đầu tư vào tài sản cố định; chi phí thuê đất (trả tiền hàng năm hay trả tiền một lần) để đánh giá đúng mức vốn chủ sở hữu thực sự, từ đó kiểm soát tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu hợp lý.
Thực tế thời gian qua cho thấy nhiều DN FDI đã “ôm nợ” ra đi, để lại cho các ngân hàng khoản nợ không hề nhỏ và kèm với đó là nhiều hệ lụy trong việc thu hồi nợ. Vietcombank đã phòng, tránh vấn đề này như thế nào?
Thực trạng này liên quan tới tình trạng một số DN FDI với giá trị vốn chủ sở hữu góp vào để triển khai dự án không lớn. Đồng thời, số vốn đầu tư này cũng được thu hồi sau một thời gian ngắn hoạt động thông qua việc nâng khống giá trị máy móc nhập khẩu và hoạt động chuyển giá.
Lúc đó, DN chỉ còn là một nhà máy gia công có giá trị thấp, không có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong trung và dài hạn. Do đó, khi hoạt động sản xuất kinh doanh gặp bất lợi, DN FDI sẽ không có ý định tháo gỡ khó khăn (đầu tư thêm vốn góp, tìm kiếm bạn hàng…) mà lựa chọn việc “xách va-li” về nước.
Vietcombank luôn thẩm định, đánh giá kỹ các nội dung nêu trên, từ đó xác định hạn mức và hình thức cấp tín dụng phù hợp, vừa hạn chế rủi ro cho ngân hàng, nhưng vẫn đảm bảo DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Xin cảm ơn bà!