Cho vay DNNVV có nhiều lợi điểm
Cho vay nhà ở xã hội - chương trình dài hơi, nguồn vốn không hạn định | |
Hạn chế cho vay tiền mặt |
Ảnh minh họa |
Vì sao dư nợ cho vay DNNVV tại OCB lại lớn như vậy, thưa ông?
Trong hệ thống các DN hoạt động có DN lớn, DNNVV, nhưng theo đánh giá, phân tích của OCB, đối tượng DNNVV phù hợp khả năng, năng lực hoạt động của OCB. Vì thế, ngân hàng chọn DNNVV là đối tượng khách hàng chiến lược. Khi đã chọn là khách hàng chiến lược thì OCB tập trung cho vay đối tượng này là chính.
DNNVV thường không được đánh giá cao vì tính minh bạch kém, quản trị điều hành hạn chế. Với dư nợ cho vay DNNVV lớn như vậy, ngân hàng có lo ngại rủi ro khi cấp tín dụng không?
DN thì dù lớn hay nhỏ đều có rủi ro. Dĩ nhiên mỗi loại DN có rủi ro đặc trưng riêng và cũng không phải tất cả các DNNVV có độ rủi ro cao. Trên thực tế, DNNVV cũng có lợi điểm là các khoản vay thường là món nhỏ. Trong trường hợp xảy ra rủi ro thì không bị rủi ro mang tính chất tập trung mà phân tán nhỏ.
Vì vậy, mức độ ảnh hưởng rủi ro từ một vài DNNVV đến ngân hàng không lớn như DN lớn. Ngân hàng xác định phát triển đối tượng khách hàng là DNNVV trong giai đoạn đầu sẽ gặp khó khăn, nhưng mang tính bền vững hơn.
Ông có thể cho biết những thách thức khi cho vay đối với DNNVV?
Nhìn chung cho vay đối với DNNVV hiện nay vẫn vấp phải những thách thức như trước đây: Khả năng đứng vững trước biến động của DNNVV vẫn còn yếu nên mấy năm vừa rồi số DN mới thành lập nhiều nhưng số “biến mất” cũng khá lớn.
Một tồn tại cố hữu ảnh hưởng đến khả năng vay vốn ngân hàng đó là hệ thống sổ sách, quản lý tài chính của DNNVV đơn giản. Thậm chí nhiều DN không có hệ thống sổ sách tiêu chuẩn, thuê dịch vụ kế toán bên ngoài chỉ để phục vụ cho việc khai thuế. Cho nên khi ngân hàng đánh giá tình hình tài chính DNNVV thông qua báo cáo tài chính khó có thể chính xác được.
Bên cạnh đó, do thiếu vốn, nhà xưởng thì đi thuê, máy móc thiết bị giá trị cũng không lớn nên DNNVV không có tài sản tích lũy để làm TSBĐ cho ngân hàng. Các loại tài sản khác của DN như hàng tồn kho… rất khó dùng làm tài sản thế chấp. Bởi rủi ro từ loại tài sản này khá cao như biến động thị trường tác động đến giá cả hàng hóa đi xuống, rồi ý thức tuân thủ cam kết đối với ngân hàng chưa cao… Đấy là vấn đề rủi ro luôn luôn thường trực đối với ngân hàng khi cho vay đối với DNNVV.
Giải pháp của OCB để hỗ trợ khách hàng chiến lược của mình?
Như nói ở trên, khi OCB đặt mục tiêu gắn bó với đối tượng khách hàng này thì ngân hàng tìm cách để vượt qua. Trong vài năm trở lại đây, ngân hàng tập trung cho vay đối với các DNNVV tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết vừa bắt kịp xu thế phát triển trong nước cũng như nước ngoài, vừa giảm bớt rủi ro.
Để nắm bắt về tình hình tài chính của DN, thay vì cách thức truyền thống là từ báo cáo tài chính, ngân hàng đã tiếp cận thông qua doanh thu phát sinh qua chuỗi cung ứng mà DN này tham gia. Thông tin này chính xác và phản ánh thực chất hơn tình hình hoạt động của DN.
Ví như, qua số lượng mua hàng của nhà phân phối, ngân hàng có thể nắm bắt được doanh thu của DN; từ đó, có thể đoán định nhu cầu vốn và khả năng kinh doanh của DN. Với cách tiếp cận như vậy, DN cũng không phải mất công làm quá nhiều hồ sơ giải trình ngân hàng vì ngân hàng đã tiếp cận thông tin DN qua bên thứ 3. Có nghĩa, hồ sơ vay vốn đơn giản hơn, song thông tin thì chính xác hơn.
Với hướng đi trên, việc cho vay đối với DNNVV đảm bảo mang lại giá trị hiệu quả cho hai bên. Tức là ngân hàng đảm bảo khả năng sinh lời cho vay lĩnh vực này, quản lý được rủi ro, còn DN khi tiếp cận vốn ngân hàng càng ngày càng dễ dàng hơn.
Xin cảm ơn ông!