Ngành dệt may khó về đích
Cổ phiếu dệt may có nguội? | |
Doanh nghiệp nhỏ, khó khăn chồng chất | |
Xuất khẩu dệt may vào Hoa Kỳ: Am hiểu thị trường mới thành công |
Trong một cuộc trao đổi gần đây, ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT Công ty May quốc tế Thắng Lợi cho biết, thời điểm này lượng đơn hàng đang giảm mạnh. Không những thế, đơn giá cũng giảm trong khi nhiều chi phí đầu vào của DN tăng nên khó lại chồng thêm khó.
Không chỉ riêng DN của mình, ông Hòa còn cho biết hiện có nhiều DN lớn trong ngành như May 10, May sông Hồng, TNG… đã phải có những giải pháp tình thế trước bối cảnh bị “giành giật” đơn hàng từ Campuchia, Myanmar, Bangladesh…
Cũng ở thế bị giảm đơn hàng, ông Phan Hoàng Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Đức Hoàng cho biết đang phải tạm ngưng sản xuất 15 ngày để cân đối lại mọi chi phí sản xuất cũng như nợ vay để tính lại giá trị đơn hàng xuất khẩu cuối năm.
Ảnh minh họa |
Một lãnh đạo của Công ty DV-TM Thành Công (TCM) cũng cho hay, nhà máy Vĩnh Long của công ty hoạt động chưa ổn định và vấn đề tỷ giá là các nguyên nhân chính khiến KQKD năm 2015 của TCM chưa đạt như kỳ vọng. Doanh thu thuần tăng 8,6%, nhưng LNST giảm 8,7% dẫn đến công ty chỉ đạt 90,4% kế hoạch năm.
Bước sang năm 2016, tình hình mới có phần khả quan hơn nhưng đến nay, kết quả cũng chưa được tốt dù công ty đã tìm nhiều biện pháp cải thiện hiệu quả hoạt động.
Cụ thể, ở mảng sợi, TCM đã thu hẹp một số sản phẩm sợi kém hiệu quả, đồng thời cải tạo, nâng cấp hệ thống máy móc để có thể sản xuất được các loại sợi có chất lượng cao hơn.
Với mảng may, vấn đề năng suất lao động ở nhà máy Vĩnh Long đã được giải quyết phần nào, nhưng kết quả chưa đáng kể. Việc chuyển hướng sang mảng vải xuất khẩu cao cấp là mục tiêu mới mà TCM đang theo đuổi để cải thiện tình hình.
Theo chia sẻ của vị lãnh đạo TCM, khó khăn của DN trong ngành dệt may đã bắt đầu từ những tháng đầu năm 2016. Điều đó lý giải vì sao số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy, tính đến hết 7 tháng, xuất khẩu dệt may chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, và là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, mức tăng trưởng xuất khẩu này chủ yếu do sự đóng góp của khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt, nhiều DNNVV có thể phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và năng lực sản xuất yếu kém.
Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm vẫn là chuyện các DN trong nước chưa gỡ được chi phí nhập nguyên liệu sản xuất. Ngoài ra, những yếu tố về tỷ giá và lãi vay cũng là một trong số những nguyên nhân khiến DN ngành dệt may khó khăn.
Tất cả những yếu tố trên cho thấy, ngành dệt may đang vướng rất nhiều, kéo trì sự tăng trưởng của toàn ngành. Cũng chính từ những khó khăn nội tại đó, giới phân tích cũng nhìn nhận khá bi quan về giá trị cổ phiếu của các DN ngành này.
Đơn cử, với cổ phiếu TCM, giới phân tích ước tính doanh thu và LNST của TCM trong năm 2016 có thể lần lượt đạt 3.483 tỷ đồng (tăng 25%) và 184 tỷ đồng (tăng 20%), tương ứng với EPS 2.809 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, về dài hạn, dù có vị thế đầu ngành và sẵn có hệ thống sản xuất khép kín, TCM vẫn không phải là DN có thể hưởng lợi từ TPP. Các chuyên gia vẫn khuyên NĐT xem xét thận trọng cơ hội từng cổ phiếu một, và hạn chế kỳ vọng thái quá vào việc hưởng lợi từ TPP như trước đây.