Chọn hướng đi nào trong hội nhập quốc tế?
Xuất khẩu kỳ vọng bứt phá nhờ các FTA | |
Nông nghiệp trước vận hội mới từ các FTA | |
Không có đáp án chung cho bài toán hội nhập của doanh nghiệp |
Cơ hội từ các FTA thế hệ mới
Việt Nam đã trở thành thành viên của hầu hết các định chế tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ký kết trên 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, trên 60 hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thu nhập, trên 90 hiệp định thương mại song phương với các quốc gia và vùng lãnh thổ...
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Văn Hiếu nêu nhận định tại buổi Hội thảo kinh tế Việt Nam thường niên 2019 diễn ra mới đây, song song với việc gia nhập các tổ chức và định chế tài chính, Việt Nam luôn chủ động tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA)...
Có thể nói, việc tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới đã từng bước đặt Việt Nam vào “lộ trình” phát triển trên cơ sở hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật ngày càng toàn diện, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Các FTA thế hệ mới đưa ra cách tiếp cận nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, giảm dần lợi thế về lao động giá rẻ giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, các FTA cũng đặt ra yêu cầu về đầu tư, cạnh tranh, mua sắm công, thương mại điện tử, khuyến khích sự phát triển của DNNVV…
Muốn tận dụng cơ hội để đi nhanh, Việt Nam cần lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín phát triển thị trường |
Một số chuyên gia cho rằng, cơ hội lớn nhất mà các FTA thế hệ mới mang lại là mở rộng thị trường nhờ cắt giảm thuế và dỡ bỏ rào cản thương mại để hàng hóa của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Các FTA thế hệ mới xóa bỏ phần lớn thuế quan cho hàng hóa Việt Nam và các nước đối tác, trong đó có những đối tác đặc biệt lớn như Hoa Kỳ hay EU... Các đối tác đã tham gia và đang đàm phán các FTA luôn chiếm trên 80% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam. Đây chính là cơ hội tốt để Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá.
“Các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia ký kết thời gian vừa qua giúp chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng hơn. Điều này cho phép Việt Nam tham gia bình đẳng và đầy đủ vào nền kinh tế thế giới, tạo ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế như tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy hoạt động thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài, tạo việc làm, thúc đẩy sản xuất trong nước, tham gia chuỗi sản xuất của thế giới, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và DN, cải thiện năng suất lao động” – Thứ trưởng Hiếu khẳng định
Tận dụng thế mạnh, nâng sức cạnh tranh
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam có thể coi là một điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội từ hội nhập quốc tế, thì phát triển DN, bảo đảm quyền công bằng và tự do kinh doanh cũng như tài sản nhà đầu tư được Việt Nam xác định là nội dung quan trọng cần quan tâm hoàn thiện. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã và đang xây dựng, triển khai thực hiện một loạt các nội dung liên quan như hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng đề án đổi mới định hướng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), hỗ trợ các DN tư nhân, hỗ trợ phát triển DNNVV…
Để thu hút đầu tư nước ngoài có hiệu quả, Việt Nam định hướng xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực, tập trung vào lợi thế của từng vùng để phát huy hiệu quả đầu tư địa phương, đảm bảo tính liên vùng, liên ngành, đảm bảo lợi ích tổng thể quốc gia và cơ cấu lại nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới. Hướng đến năm 2020 thu hút đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, phát triển công nghiệp hỗ trợ trong ba lĩnh vực quan trọng như lĩnh vực linh kiện, phụ tùng, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp dệt may và da giày; và lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao.
TS. Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, lĩnh vực nông nghiệp vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam và sẽ được tập trung đầu tư vào sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững. Đồng thời, chú trọng thu hút các dự án trong các ngành có ưu thế khi Việt Nam ký kết tham gia Hiệp định CPTPP như dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ và nông sản. Thay vì đầu tư dàn trải, sẽ chọn lọc các dự án có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam nên tăng cường xúc tiến các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, DN phụ trợ, khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển dần từ gia công sang sản xuất. Muốn tận dụng cơ hội để đi nhanh, Việt Nam cần lựa chọn các nhà đầu tư lớn, có uy tín phát triển thị trường, song không vì thế mà bỏ qua các dự án quy mô vừa và nhỏ phù hợp với từng ngành kinh tế, từng địa phương.