Chống biến đổi khí hậu: Chuyện không của riêng ai
Nỗi lo không chỉ là dự báo
Đây được xem là bước đột phá trong việc thuyết phục Chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm khiến nhiệt độ của Trái đất tăng lên. Với Việt Nam, mặc dù là quốc gia đang phát triển song cũng cam kết cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường với nguồn lực trong nước; và có thể cắt giảm tới 25% nếu tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
BĐKH gây nên những hiện tượng thời tiết bất thường |
Sở dĩ như vậy là bởi hơn ai hết Việt Nam rất thấu hiểu tác hại của BĐKH đến nền kinh tế. Với 3.200 km bờ biển, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng BĐKH và nước biển dâng.
Nếu nước biển dâng cao thêm 1 mét, sẽ có gần 5% diện tích lãnh thổ, 11% dân số và 7% diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng; GDP của Việt Nam có thể giảm đi 10% và 90% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thể ngập chìm trong nước. Nguy cơ nước biển dâng cao đe dọa đất đai, nhà cửa, cuộc sống và tính mạng của tất cả chúng ta.
Những mối nguy này không còn chỉ là dự báo, mà ai cũng đều có thể nhận thấy hàng ngày, qua những mùa đông ấm áp ở Bắc bộ, những thiên tai ở miền Trung, hay những vùng bờ biển bị sạt lở, những vùng đất bị nước mặn xâm thực ở đồng bằng sông Cửu Long...
Bên cạnh đó, BĐKH còn gây nên những hiện tượng thời tiết bất thường. Thiên tai xảy ra với tần suất ngày một dày và mức độ cũng ngày càng lớn, thậm chí có thể thành thảm họa, gây rủi ro cho phát triển KT-XH, thậm chí xóa đi thành quả nhiều năm phát triển mới đạt được.
Khả năng tác động của BĐKH đối với từng vùng miền, từng địa phương và từng gia đình đã và đang hiện hữu đe dọa mạnh đến môi trường cuộc sống và của quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam nếu như không kịp thời ứng phó với nó.
Chuyện không của riêng ai
Việt Nam vẫn là quốc gia có lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tương đối thấp nếu xét về mặt dân số (dân số Việt Nam chiếm 1,3% thế giới trong khi lượng phát thải chiếm 0,6% so với toàn cầu) nhưng tốc độ tăng lượng phát thải lại rất lớn. Dự báo đến năm 2030, lượng phát thải của Việt Nam có thể tăng gấp ba lần mức hiện tại. Với công cuộc chống BĐKH chúng ta cần phải thay đổi nhận thức rằng chống BĐKH chỉ là chuyện của Chính phủ, mà cần có được sự nỗ lực chung tay của mọi người dân.
Mỗi cá nhân chúng ta có thể góp phần ngăn chặn BĐKH bằng những hành động thiết thực cụ thể ngay tại nơi làm việc, sinh sống và sinh hoạt hàng ngày:
Khi bạn điều chỉnh điều hoà tăng lên 10C bạn đã tiết kiệm khoảng 1 tấn CO2/năm. Tủ lạnh tiết kiệm năng lượng có thể tiết kiệm được gần 1 nửa tấn CO2 mỗi năm so với sử dụng tủ lạnh thông thường. Sử dụng cửa sổ, cửa ra vào loại cách nhiệt và làm thêm phần cách nhiệt vào gác mái và tầng hầm, nền sẽ làm giảm việc tiêu thụ năng lượng. Sử dụng bóng đèn huỳnh quang compact hoặc đèn LED hiệu quả tiết kiệm hơn 75% so với bóng đèn thắp sáng thông thường.
Đi bộ, đi xe đạp, sử dụng xe dùng chung hoặc các phương tiện giao thông công cộng - tất cả các loại hình này đều phát thải ít hơn khi mỗi chúng ta đều sử dụng xe gắn máy, ôtô cá nhân. Chọn các loại xe máy, ôtô tiết kiệm nhiên liệu hiện có, như kiểu xe phân khối nhỏ, động cơ có hiệu suất cao hoặc kết hợp điện – xăng, và luôn duy tu, bảo dưỡng xe tốt cũng sẽ làm giảm mức phát thải. Dùng chung xe máy, ôtô và tránh đi quãng đường ngắn bằng xe ôtô nhằm tiết kiệm năng lượng. Giữ lốp căng nhất khi sử dụng sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn và giảm phát thải.
Trung bình mỗi năm một người thải lượng rác cao gấp 10 lần trọng lượng cơ thể mỗi người. 1kg rác đem chôn lấp sản xuất khoảng 2kg khí mêtan. Cách đơn giản nhất để giảm gánh nặng này là bớt việc mua sắm và thải các đồ bao gói không cần thiết. Tái chế giấy, thuỷ tinh, nhôm, thép và các nguyên liệu khác để giảm các nguyên liệu mới, có thể giúp tiết kiệm năng lượng. Sử dụng cả 2 mặt giấy và tái chế giấy có thể tiết kiệm 2,5kg khí nhà kính đối với mỗi kg giấy sử dụng.
Ủng hộ sự thay đổi. Bạn có thể khuyến khích cộng đồng rộng lớn hơn hành động vì sự BĐKH.
Tại nơi làm việc và trường học: khuyến khích những người cùng làm việc hoặc học sinh, sinh viên chấp nhận chiến lược giảm phát thải.
Tại thôn xóm, làng: Tuyên truyền về tác động của BĐKH, thực hiện những hành động thiết thực bảo vệ môi trường sống.
Hợp tác: khuyến khích đánh giá những đóng góp của họ tới ảnh hưởng khí nhà kính và chỉ cho họ những câu chuyện thành công và các bộ công cụ sẵn có.
Chống BĐKH đã trở thành một vấn đề nóng và sinh tồn của toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra được chiến lược quốc gia và những cam kết quốc tế về chống BĐKH. Hơn bao giờ hết chúng ta cần nhận thức rằng, cuộc chiến chống BĐKH không chỉ là chuyện của Chính phủ mà nó sẽ cần sự nhận thức chung tay từ mỗi cá nhân chúng ta.