Chống tham nhũng và lãng phí: Gam màu sáng đã bừng lên
Trong đó, nhận thức về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, đảng viên và nhân dân không ngừng được nâng lên. Ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức có nhiều tiến bộ, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ có chuyển biến tốt.
Ảnh minh họa |
Về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập 16 đoàn kiểm tra công tác triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng và chuẩn bị tổ chức bầu cử, 10 đoàn giám sát về thực hiện cải cách hành chính; Ủy ban kiểm tra Thành ủy đã tiến hành 13 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 19 tổ chức đảng và 74 đảng viên.
Về giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong năm 2016 đã tiếp hơn 32.600 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận và xử lý gần 31.000 đơn các loại… Qua khiếu nại, tố cáo, đã kiến nghị thu hồi hơn 2,8 tỷ đồng và hơn 24.000m2 đất; hoàn trả cho công dân 2,778 tỷ đồng; kiểm điểm trách nhiệm 38 tập thể và 130 cá nhân để xảy ra sai phạm, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 6 vụ.
Thanh tra thành phố và thanh tra các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã và đang triển khai 330 cuộc thanh tra, đã kết luận 268 cuộc. Qua thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện, kiến nghị xử lý sai phạm và chuyển cơ quan điều tra 9 vụ.
Công an TP. Hà Nội đã tiến hành khởi tố điều tra 17 vụ, với 44 bị can; kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố 14 vụ với 35 bị can, đình chỉ 2 vụ với 3 bị can; đang điều tra 12 vụ với 41 bị can; thu hồi khoảng 2.000m2 đất và 17,4 tỷ đồng…
Ngoài ra, thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy về kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội, giai đoạn từ 1/1/2015 đến 30/6/2016, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, rà soát đối với 16 đơn vị gồm 4 sở và 12 quận, huyện. Qua công tác kiểm tra, rà soát các kết luận thanh tra nhận thấy, công tác đôn đốc thực hiện đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện song chưa được thường xuyên, liên tục.
Trong quá trình thanh tra, có thời điểm chưa chủ động phát hiện vi phạm; một số kiến nghị, kết luận thanh tra chỉ dừng lại ở mức độ kiểm điểm, rút kinh nghiệm tập thể, cá nhân; việc xử lý không tương xứng với các sai phạm đã kiến nghị trong kết luận thanh tra.
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho rằng, vướng mắc lớn nhất của cơ quan điều tra hiện nay là vấn đề giám định giá trị tài sản để xác định thiệt hại. Một số vụ án do thời gian giám định kéo dài đã khiến dư luận hiểu nhầm là “chìm xuồng” hoặc “có vấn đề”.
Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát và xử lý trong năm 2016 chủ yếu tập trung ở cấp cơ sở, kết quả cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Do vậy, trong năm 2017 và các năm tiếp theo, việc thực hiện Chương trình 07 nên mở rộng ở cấp cao hơn.
Cùng chung nhận định, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Nguyễn Quang Thành cho biết, việc giám định tài sản trong các vụ án tham nhũng rất khó khăn và tốn kém. Ngoài ra, khả năng thu hồi tiền tại các vụ án tham nhũng về cho Nhà nước là không cao, có đến 90% là không thu hồi được.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, nội dung phòng chống tham nhũng, lãng phí luôn được Thành ủy quan tâm chú trọng.
Theo ông, qua Chương trình 07 cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cơ quan của thành phố, điều này là hết sức quan trọng. Ông cũng khẳng định: “Việc tăng cường giám sát, kết luận của đoàn thanh tra làm cho nhận thức, trình độ năng lực quản lý của các cấp được nâng cao hơn”.
Chỉ đạo về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, điều tra xét xử, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, tuy tội phạm hình sự năm nay giảm nhưng, điều đáng lo nhất của thành phố hiện nay là tội phạm ma túy, nên cần phải xử lý nghiêm và mạnh mẽ hơn.
Ông cũng đặc biệt lưu ý đến việc thực hiện công tác thanh tra, phải cân nhắc tính toán hợp lý, bố trí kế hoạch khoa học để không chồng chéo, tạo điều kiện cho cơ sở làm việc.