Chủ tịch Fed phát tín hiệu có thể cắt giảm lãi suất
Thị trường dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất hai lần từ nay đến tháng Một | |
Sự “kiên nhẫn” của Fed về lãi suất sẽ kéo dài | |
Việc giữ lãi suất của Fed 'lu mờ' trước căng thẳng thương mại gia tăng |
Đề cập đến “các cuộc đàm phán thương mại và các vấn đề khác”, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, “chúng tôi không biết những vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào hoặc khi nào”. “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ ảnh hưởng của những vấn đề này đối với triển vọng kinh tế của Mỹ và như mọi khi, chúng tôi sẽ hành động phù hợp để duy trì đà tăng trưởng, với một thị trường lao động mạnh mẽ và lạm phát gần mục tiêu 2% đối xứng của chúng tôi”, Powell nói.
Thông điệp của Powell sau đó đã được Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida lặp lại khi ông này phát biểu với CNBC rằng Fed sẽ “thiết lập chính sách nhằm không chỉ đạt được mà còn duy trì sự ổn định về giá và việc làm tối đa, và chúng tôi sẽ làm điều đó nếu chúng tôi thấy cần thiết”.
Kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc cắt giảm lãi suất của Fed vốn đã giảm mạnh trong thời gian gần đây, bỗng quay trở lại mạnh mẽ vào thứ Ba. Theo đó, các nhà đầu tư đã tăng mạnh đặt cược Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay sau khi Tổng thống Donald Trump mở rộng căng thẳng thương mại khi đe dọa sẽ áp thuế quan đối với hàng hoá của Mexico nếu nước này không ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp vào Mỹ.
“Powell như người đang đi trên dây khi vừa muốn duy trì sự lạc quan với sự tăng trưởng vững chắc, nhưng lại tuyên bố sẵn sàng cắt giảm nếu cần”, Diane Swonk - nhà kinh tế trưởng tại Grant Thornton ở Chicago nói.
Trong khi các nhà đầu tư đã nói rõ rằng họ mong đợi Fed sẽ cắt giảm lãi suất một nửa điểm phần trăm trong năm nay, Powell và các đồng nghiệp của ông tại Fed cũng đang chịu áp lực lớn từ phía Tổng thống Mỹ Donal Trump trong việc cắt giảm chi phí vay để giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.
Bài phát biểu của Powell chủ yếu là những đánh giá tổng kết hàng năm của Fed về các chiến lược chính sách tiền tệ. Trong đó nêu lên những khó khăn của Fed trong việc thúc đẩy lạm phát đạt mục tiêu 2%. Lạm phát thấp, cùng với tăng trưởng dài hạn yếu ớt đã giữ lãi suất danh nghĩa ở sát mức thấp lịch sử ngay cả sau khi nền kinh tế đã tăng trưởng liên tục trong gần 10 năm. Lãi suất thấp sẽ khiến Fed khó chống lại suy thoái kinh tế trong tương lai vì lãi suất không thể giảm xuống dưới 0, hoặc theo quy định của Fed, “ranh giới thấp hữu hiệu” (Effective Lower Bound - ELB, tức mức lãi suất thấp nhất các ngân hàng có thể áp mà không sợ người dân đổ xô đến ngân hàng rút tiền về cất ở nhà).
“Việc lãi suất nằm sát ngưỡng ELB đã trở thành thách thức chính sách tiền tệ của thời đại chúng ta”, Powell nói. Với việc lạm phát “ít nhạy cảm hơn” với sự cải thiện mạnh mẽ của thị trường lao động, sẽ là khó khăn hơn để đưa lạm phát tăng trở lại mục tiêu, ông nói. Nhưng việc giữ lãi suất ở mức thấp có thể không phải là câu trả lời: “Sử dụng chính sách tiền tệ để thúc đẩy đủ mạnh vào thị trường lao động để tăng lạm phát có thể gây ra rủi ro gây mất ổn định dư thừa trên thị trường tài chính hoặc ở nơi khác”, Powell nói.
Hội nghị nghiên cứu kéo dài hai ngày là tâm điểm của tổng kết cả năm. Các quan chức Fed và các học giả hàng đầu sẽ tranh luận về việc họ có cần thay đổi để nâng cao kỳ vọng lạm phát và cải thiện khả năng phòng vệ của họ cho các mục đích chống lại các cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo hay không.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính đang biến động mạnh do lo ngại ngày càng tăng về các mối đe dọa thuế quan của ông Trump có thể gây tổn hại hơn nữa cho thương mại và tăng trưởng toàn cầu. Trong khi một loạt các báo cáo gần đây của Chính phủ về giá tiêu dùng cho thấy đến nay lạm phát vẫn đang nằm dưới mục tiêu 2%, điều mà nhiều nhà kinh tế lo ngại sẽ hạn chế khả năng kích thích nền kinh tế nếu cần thiết của các nhà hoạch định chính sách.
Hiện các quan chức của Fed vẫn đang bị chia rẽ về quan điểm lãi suất. Trong bài phát biểu trước đó vào thứ Ba, Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans đã gạt đi ý tưởng Fed cần cắt giảm lãi suất để đáp ứng lại áp lực thị trường. Evans là một thành viên có quyền biểu quyết về chính sách tiền tệ trong năm nay. “Với việc lạm phát sáng hơn một chút, có khả năng điều chỉnh chính sách nếu điều đó cần thiết, nhưng các nền tảng cơ bản của nền kinh tế vẫn tiếp tục vững chắc”, Evans nói với đài truyền hình CNBC. “Chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải suy nghĩ về những vấn đề thực sự có nghĩa”.
Trong khi phát biểu hôm thứ Hai, Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard - người cũng có quyền bỏ phiếu thiết lập lãi suất trong năm nay, đã trở thành thành viên đầu tiên của Ủy ban Thị trường mở liên bang kêu gọi cắt giảm lãi suất, với lý do lạm phát mục tiêu và đe dọa tăng trưởng kinh tế đang bị đe dọa bởi căng thẳng thương mại leo thang.
Được biết, cuộc họp chính sách tiếp theo của FOMC sẽ diễn ra ngày 18-19/6 tới.