Chưa tận dụng tốt cơ hội
Tháng 11 ước nhập siêu 400 triệu USD, 11 tháng ước xuất siêu 2,84 tỷ USD | |
Cơ hội cho xuất khẩu |
Đến nay hầu hết các DN sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng của Việt Nam đều chưa thật sự “tham chiến” trực tiếp |
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường ASEAN tuy tăng trưởng mạnh qua từng năm, nhưng cộng đồng DN vẫn gặp nhiều khó khăn để kinh doanh lâu dài tại đây.
Ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang lần lượt dỡ bỏ thuế quan cho hàng hóa của các nước thành viên. Các tỷ lệ thuế dỡ bỏ là khác nhau, như nhóm ASEAN – 6 là 98%, còn Việt Nam, Lào, Campuchia là 91% và sẽ tăng lên 98% trước 2018.
Bên cạnh dỡ bỏ rào cản thuế quan, nhiều nước trong ASEAN cũng thiết lập rào cản kỹ thuật để bảo hộ sản phẩm trong nước và hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này khiến nhiều DN Việt không mặn mà khi đưa hàng hóa đến thị trường ASEAN.
Giám đốc điều hành một Tổng công ty may tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện lượng hàng xuất khẩu đi thị trường các nước của Tổng công ty chiếm khoảng 80%, chủ yếu sang EU, Mỹ, Nhật.
Trong đó, tỷ lệ hàng hóa xuất vào thị trường các nước ASEAN còn rất khiêm tốn, do từ trước đến nay DN ít quan tâm đến thị trường này. Sau khi Việt Nam gia nhập AEC, với những ưu đãi về thuế quan và thuận lợi trong giao thương, DN bắt đầu có sự chuyển hướng để mở rộng thị trường ASEAN.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi có được thì chính sự tương đồng về cơ cấu hàng hóa, giá nhân công rẻ, cũng như vấp phải sự cạnh tranh của hàng hóa cùng chủng loại ở những quốc gia trong khu vực khiến hàng Việt chưa thực sự chiếm được lợi thế, cũng như thu về lợi nhuận như kỳ vọng ban đầu đặt ra.
Tương tự, CTCP Bánh kẹo Bibica dù đã sớm đưa hàng vào các nước ASEAN, nhưng sau khi khu vực được thông thương và thuế suất giảm xuống, DN vẫn khó đẩy kim ngạch tăng cao hơn so với thời điểm trước bởi lý do, không chỉ Việt Nam được hưởng các ưu đãi, mà một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines vốn có nhiều sản phẩm cạnh tranh với công ty cũng đã kịp chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu, trong khi họ có lợi thế hơn hẳn do đã xây dựng được thương hiệu từ rất sớm.
Ông Nguyễn Quốc Trường, Viện Chiến lược phát triển cho rằng, rõ ràng khi hàng hóa Việt Nam xuất vào thị trường các nước ASEAN thì ngược lại, nhiều mặt hàng các nước khác có lợi thế trong khu vực cũng sẽ tràn vào Việt Nam.
Vì vậy, một mặt DN vừa phải tìm ra chiến lược xâm nhập, đẩy hàng đi, mặt khác cũng phải lo giữ vững thị trường trong nước. Trong khi phần lớn năng lực, quy mô của nhiều DN Việt còn yếu nên khó có thể cùng lúc đảm bảo được cả hai mục tiêu.
Theo ông Đỗ Quốc Hưng thì, hiện nay hầu hết DN Việt Nam đều bán sản phẩm cho nhà nhập khẩu nước sở tại, chứ không thể trực tiếp tiếp cận thị trường tiêu dùng của họ vì nhiều lý do khác nhau. Việc qua nhà nhập khẩu trung gian khiến hàng Việt có giá thấp do bị ép giá, dẫn đến sản phẩm hàng hóa dù chất lượng cao, nhưng không thể xây dựng được thương hiệu tại thị trường ASEAN, bởi các nhà nhập khẩu luôn muốn bán hàng dưới tên của DN của họ chứ không phải tên của DN Việt Nam.
Chia sẻ điều này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, nhiều năm đồng hành cùng DN đưa hàng đến thị trường ASEAN, thì thấy cạnh tranh xuất khẩu vào ASEAN không dễ.
Thứ nhất, mạng lưới phân phối hàng Việt tại các nước này rất ít hay gần như không có ở ngay những thị trường rất gần như Campuchia và Lào. Vậy nên chỉ những DN lớn, tiềm lực tài chính vững mạnh (như Vinamilk) mới trụ lại nổi.
Còn lại, phần lớn phải liên kết với DN phân phối của nước sở tại để đưa hàng vào thị trường. Tất nhiên, vậy là hàng Việt phải chịu thiệt. Thứ hai, hàng Việt Nam còn lép vế với hàng Trung Quốc, Thái Lan tại các nước ASEAN, vì những lý do khác nhau.
Rất nhiều DN lớn muốn mở rộng đầu tư, phân phối hàng Việt (như Satra, Co.op Mart…) vào thị trường bán lẻ ASEAN. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các DN sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng của Việt Nam đều chưa thật sự “tham chiến” trực tiếp, mà chỉ chọn tham gia hội chợ, quảng bá sản phẩm, tìm nhà phân phối sở tại…
Theo nhận định của các chuyên gia, cùng với việc gia tăng khả năng thông thương trong AEC, gỡ bỏ hàng rào thuế quan... tạo thuận lợi cho các DN đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu, thì cũng sẽ có những rào cản khác được dựng lên, nhất là các hàng rào kỹ thuật, các yêu cầu về xuất xứ.
Tuy nhiên, đó chưa phải những gì khó khăn nhất, mà vấn đề chính là ở chỗ các DN sản xuất muốn tìm đường xâm nhập, nâng cao thị phần ở những thị trường này thì cần phải nỗ lực để tìm ra hướng đi khác biệt cho mình. Ngoài ra, sản phẩm “made in Việt Nam” cũng cần nâng cao hơn nữa chất lượng, chủng loại mẫu mã để cạnh tranh với sản phẩm cùng chủng loại của các nước trong khu vực.
Đồng thời, xây dựng hệ thống đại lý, phân phối rộng khắp để hàng hóa Việt có thể dễ dàng tiếp cận với hơn 600 triệu người tiêu dùng các nước trong khu vực ASEAN.
Ông Đỗ Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho biết, AEC đang lần lượt dỡ bỏ thuế quan cho hàng hóa của các nước thành viên. Với tỷ lệ thuế dỡ bỏ khác nhau như ASEAN – 6 là 98%, còn Việt Nam, Lào, Campuchia là 91% và sẽ tăng lên 98% trước 2018. Bên cạnh dỡ bỏ rào cản thuế quan, nhiều nước trong ASEAN cũng thiết lập rào cản kỹ thuật để bảo hộ sản phẩm trong nước và hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này khiến nhiều DN Việt không mặn mà khi đưa hàng hóa đến thị trường ASEAN. |