Chuẩn bị nhiều kịch bản để đối phó
TS. Võ Trí Thành |
Trước những áp lực không hề nhỏ nhưng khép lại năm 2017, điều hành CSTT vẫn đạt được những kết quả rất tích cực: dự trữ tăng cao nhất, tỷ giá ổn định nhất châu Á nhưng không ảnh hưởng đến xuất khẩu; mặt bằng lãi suất ổn định, lãi suất cho vay giảm đối với lĩnh vực ưu tiên cả ngắn, trung dài hạn 0,5-1%/năm…
Có được thành công trên là nhờ NHNN đã kiên định với mục tiêu ổn định và khéo léo điều hành, cân đối hài hòa các mục tiêu. Rõ nhất là dù chịu áp lực mở rộng tín dụng, NHNN vẫn kiên định bám sát mục tiêu cung tiền hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch đề ra từ đầu năm và phát đi tín hiệu có điều chỉnh khi cần thiết. NHNN đã có nhiều biện pháp để kiểm soát chặt chẽ dòng vốn, hướng vốn tín dụng vào nền kinh tế đi đúng hướng.
Năm 2018, dù tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn tích cực, nhưng thách thức từ bên ngoài vẫn còn nhiều. Do đó chúng ta cần phải chuẩn bị nhiều kịch bản để đối phó với những cú sốc có thể xảy ra với mức độ khác nhau như là địa chính trị, cú sốc tài chính có thể dễ dẫn đến dịch chuyển dòng vốn, chủ nghĩa bảo hộ…
Tuy có nền tảng tốt như hiện tại, không có nghĩa là CSTT sẽ không đối mặt với những khó khăn mà chỉ là mức độ giảm hơn các năm trước như: áp lực lên tỷ giá vẫn còn khi Fed tăng lãi suất; lạm phát có thể tăng do giá hàng hóa cơ bản tăng nhưng mức độ không lớn…
Bài toán đối với CSTT và hệ thống ngân hàng trong năm 2018 không phải chỉ là giữ vững thành quả đã đạt được mà còn phải tăng cường nền tảng tốt hơn. Ngành Ngân hàng cần tận dụng những quyết sách lớn để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, TCTD yếu kém, lành mạnh hóa hệ thống. Nhất là yêu cầu các NHTM nâng cao năng lực tài chính áp dụng chuẩn mực quốc tế Basel II.
Theo tôi, năm 2018, lãi suất có cơ hội tốt để giữ ổn định, nếu có điều kiện thì giảm thêm. Nhưng phải thận trọng vì NIM tại các ngân hàng đang mỏng, trong khi áp lực tăng vốn cao. Muốn tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bên cạnh CSTT kiên định, tính kỷ luật chính sách phải cao hơn. Đồng thời cần bám sát, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác dự báo có tham khảo “tiếng gọi” của thị trường.