Thu dịch vụ ngân hàng kỳ vọng vào bảo hiểm
Dai-IChi Life Việt Nam và SHB ký kết hợp tác chiến lược dài hạn | |
Maritime Bank và Dai-ichi Life Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện | |
Bảo hiểm mở rộng thị phần qua ngân hàng |
Có thể đạt 20% tổng thu phí dịch vụ
Trong tháng 9 vừa qua, các NH: Sacombank, Techcombank và NamABank đồng loạt ký các hợp đồng phân phối độc quyền sản phẩm bảo hiểm cho các hãng Dai-ichi Life, Manulife và PWD.
Ảnh minh họa |
Với hợp đồng độc quyền phân phối 20 năm, đại diện Sacombank kỳ vọng rằng nguồn thu từ hoa hồng phí bảo hiểm dự kiến sẽ đóng góp 15-20% trong tổng thu dịch vụ của TCTD này. Bởi khi ký kết phân phối độc quyền dài hạn, Sacombank có thể lên kế hoạch chi tiết nhằm giới thiệu và bán hiệu quả các dòng sản phẩm bảo hiểm của Dai-ichi Life Việt Nam. Bên cạnh nguồn thu từ hoa hồng theo hợp đồng, việc ký kết phân phối độc quyền dài hạn, Sacombank cũng có thể thu thêm các khoản phí khác như phí độc quyền, phí thưởng doanh số. Do vậy chắc chắn nguồn thu từ dịch vụ này sẽ tăng lên.
Tương tự, tại Techcombank, trong năm 2016, doanh thu đóng góp từ thu phí bảo hiểm đạt khoảng 520 tỷ đồng, nhưng trong vòng 5 năm tới, NH này tự tin lên kế hoạch tăng con số này lên mức 10.000 tỷ đồng nhờ việc hợp tác phân phối độc quyền 15 năm đối với các sản phẩm của Manulife.
Giám đốc khối bảo hiểm của Techcombank Chung Bá Phương thậm chí còn cho rằng, mục tiêu của Techcombank là nâng mức tăng trưởng của doanh thu phí bảo hiểm lên gấp đôi so với mức tăng trưởng chung của thị trường. Hiện mức tăng trưởng trung bình của thị trường này ở khoảng 20%. Điều này cho thấy Techcombank dự kiến sẽ phấn đấu đưa tăng trưởng thu phí bảo hiểm lên 40% trong các năm tới.
Quan sát cho thấy, từ đầu năm 2017 đến nay không chỉ có 3 NHTM kể trên tiến hành ký kết hợp tác phân phối độc quyền với các DN bảo hiểm. Hàng loạt các ký kết trước đó đã diễn ra giữa Indovinabank (IVB với Cathay Việt Nam, giữa NCB với Prevoir, Maritime Bank với Prudential, Woori Bank với Hanwha Life…
Hiệp hội Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam nhận định rằng, hiện nay tại Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty bảo hiểm đang hoạt động. Hình thức hợp tác giữa các DN bảo hiểm và NH mặc dù gần đây chuyển nhiều sang dạng hợp đồng phân phối độc quyền nhưng nếu tính trung bình thì tỷ lệ đóng góp doanh thu bảo hiểm thông qua hoạt động bancassurance tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 6% trên tổng doanh thu phí bảo hiểm của toàn thị trường. Trong khi đó, mức bình quân tại nhiều nước trên thế giới đạt khoảng 50%. Vì vậy, khả năng để các NHTM tăng mạnh doanh thu từ mảng này lên mức 20-30% tổng doanh thu dịch vụ là có cơ sở đạt được.
Độc quyền để tăng sản phẩm lồng ghép
Từ phía các DN bảo hiểm, ông Sridharan, Tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm PWD Việt Nam cho rằng, hoạt động hợp tác độc quyền phân phối với các NHTM đang là hướng đi mới được nhiều DN bảo hiểm lựa chọn. Bởi khi hợp tác độc quyền, các NHTM sẽ chỉ chú tâm vào các sản phẩm của một DN bảo hiểm, tư vấn chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn cho khách hàng. Từ đó việc bán hàng trở nên hiệu quả hơn.
“Chỉ trong vòng 8 tháng vừa qua, PWD Việt Nam đã hoàn thành kế hoạch doanh thu của cả năm 2017. Trong đó 30% doanh thu đến từ các hợp tác phân phối với NHTM. Vì vậy đây là kênh bán hàng rất hiệu quả”, ông Sridharan nói.
Trong khi đó ở phía các NHTM, ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamABank nhận định rằng, hướng hợp tác độc quyền với các DN bảo hiểm nhân thọ là hướng tối ưu nếu các NH muốn gia tăng doanh thu dịch vụ từ hoạt động bancassurance. Bởi khi hợp tác độc quyền 15-20 năm thì các NH mới có thể tập trung nhân lực và đưa ra các chiến lược lâu dài cho việc phân phối các sản phẩm bảo hiểm. Đồng thời có thời gian nghiên cứu kết hợp tiện ích của các sản phẩm bảo hiểm với các sản phẩm, dịch vụ tài chính của NH để đưa đến cho khách hàng các gói sản phẩm lồng ghép theo hướng có nhiều lợi ích nhất.
Theo nhận định của một số chuyên gia lĩnh vực tài chính, các NHTM khi muốn tăng thu từ dịch vụ sẽ ngày càng hướng đến gia tăng hoạt động hợp tác với các DN bảo hiểm nhiều hơn. Lý do là vì khi tăng hợp tác với các DN bảo hiểm sẽ giúp NH có thêm sản phẩm mới mà không bị đòi hỏi phải tăng vốn trên cơ sở rủi ro như đối với các sản phẩm đơn thuần của NH. Ngoài ra, việc bán các sản phẩm bảo hiểm đồng thời với dịch vụ cho vay tín dụng còn giúp NH giảm thiểu rủi ro không thu hồi được các khoản nợ khi không may có rủi ro xảy đến với người vay tiền tại NH.
Chính vì vậy, trong thời gian tới nếu các NHTM và các DN bảo hiểm chú trọng hơn vào chiến lược phát triển thị trường bancassurance, thì các nút thắt hiện nay về sản phẩm, về giá bán bảo hiểm cũng như sự đồng bộ về hệ thống công nghệ sẽ được cởi mở. Theo đó thị trường sẽ ngày càng có nhiều hơn các sản phẩm lồng ghép, tích hợp giữa tín dụng NH với bảo hiểm; mức phí bảo hiểm cũng sẽ được ưu đãi nhiều hơn đối với người tiêu dùng hoặc người vay vốn. Sự cạnh tranh hợp tác độc quyền, tối ưu hóa kênh phân phối sản phẩm cũng sẽ khiến cho các NHTM và các DN bảo hiểm chủ động tích hợp đồng bộ hệ thống công nghệ để chia sẻ hiệu quả dữ liệu khách hàng của hai bên nhằm tăng cường tỷ lệ tái tục và khai thác các khách hàng.