Chuyện khởi nghiệp của những doanh nhân vi mô
TYM triển khai chương trình "Tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" | |
Hỗ trợ phòng chống rủi ro thiên tai cho các thành viên của TYM |
Niềm đam mê tranh, đến mô hình kinh doanh hiệu quả
Lễ trao giải thưởng Doanh nhân vi mô Citi-Việt Nam 2018 (CMA 2018) - một hoạt động thường niên toàn cầu do Quỹ Citi/ Ngân hàng Citi – Việt Nam tài trợ sẽ diễn ra vào ngày 12/12, tại Hà Nội.
Giải thưởng này ghi nhận những Doanh nhân vi mô tiêu biểu có ý tưởng sáng tạo để thay đổi phương cách sản xuất kinh doanh vươn lên trong cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Vân (áo đỏ) đang giới thiệu tranh gạo cho du khách quốc tế |
Đơn cử như mô hình sản xuất và kinh doanh tranh gạo của chị Nguyễn Thị Vân ở xã Đông Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội.
Không giống như những thành viên của TYM khác từng đạt doanh nhân vi mô Citi-Việt Nam. Bên cạnh mô hình đạt giải thưởng, chị vẫn làm công việc mà mình đã gắn bó lâu năm là giáo viên mầm non. Cũng bởi công việc thú vị này mà nuôi dưỡng trong chị niềm đam mê với hội họa và làm các đồ thủ công. Thế nên, chị đến với tranh gạo vừa để thỏa mãn đam mê, trí sáng tạo của mình mà cũng đem lại kinh tế cho gia đình.
Cũng giống như nhiều câu chuyện khởi nghiệp khác, khi bắt đầu công việc này, chị Vân cũng gặp những khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn để thực hiện. Từ năm 2012, khi tham gia TYM và bắt đầu vay vốn với mức 7 triệu đồng để hỗ trợ cho công việc làm khung nhôm kính của chồng, gia đình anh chị vẫn đều đặn vay các vòng vốn và tăng dần mức vay theo thời gian.
Đến năm 2016, khi bắt đầu làm tranh gạo, mặc dù công việc này không cần số vốn đầu tư nhiều nhưng do vốn liếng của gia đình đều dành tiền cho công việc làm khung nhôm kính của chồng nên lúc này chị đã vay tiếp của TYM 30 triệu đồng để bắt đầu cho việc làm mới này.
“Thực tế tại Sóc Sơn có rất nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại hoạt động và cho vay nhưng chỉ có TYM là đáp ứng được đúng nhu cầu vốn của chị: mức vốn vừa đủ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ, thủ tục vay đơn giản và không cần thế chấp.” - chị Vân chia sẻ và cho rằng, nguồn vốn vay của TYM luôn được ổn định và chị nhận được nhiều giá trị, lợi ích hơn cả.
Đặc biệt, vay vốn của TYM không chỉ giúp chị Vân giải quyết bài toán thiếu vốn mà giá trị lớn nhất chị nhận được chính là TYM đã góp phần rất lớn trong việc hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của gia đình chị.
Đến nay, khi công việc kinh doanh mở rộng, chị Vân đã thuê thêm và tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên, 4 lao động thời vụ. Nói về hành trình kinh doanh và trở thành doanh nhân Citi tiêu biểu chị Vân tâm sự: Chỉ cần có niềm đam mê, không ngừng cố gắng, học hỏi thì bắt đầu công việc kinh doanh không bao giờ là muộn.
Vươn lên từ hộ nghèo
Với chị Quách Thị Hường, một doanh nhân vi mô tiêu biểu khác ở xã Hiệp Cường, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên lại hiệu quả với mô hình sản xuất kinh doanh hương thơm (hương nén thắp, nhang thắp).
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi học hết lớp 8, chị đã nghỉ học để đi làm hương thuê rồi kết hôn năm 1995. Nhà đông con, vợ chồng chủ yếu nhìn vào đồng lương đi làm thuê và mấy sào ruộng nên gia đình lúc đó thuộc hộ nghèo, thu nhập thấp. Năm 2000, với kinh nghiệm làm hương suốt 10 năm cùng số vốn tích lũy chị quyết định sẽ tự sản xuất hương tại nhà.
Thời gian này, chị gặp phải rất nhiều khó khăn đặc biệt là tìm kiếm nguồn vốn để có thể tự kinh doanh. Đó cũng là lúc chị bắt đầu tham gia TYM và vay khoản tiền 1 triệu đồng. “Mặc dù số vốn chúng tôi cần vay không nhiều nhưng đã giúp cho tôi và gia đình bắt đầu công việc sản xuất này. TYM đã tin tưởng và trao cơ hội cho tôi thực hiện kế hoạch của mình.” - Chị Hường tâm sự.
Xưởng sản xuất hương của gia đình chị Hường tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương |
Bước đầu kinh doanh, chị Hường gặp rất nhiều khó khăn bởi lần đầu tiên tự mình làm chủ công việc, thiếu kinh nghiệm, hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ đặc biệt là thiếu vốn. Nhưng nguồn vốn từ TYM tăng dần hàng năm, lại được chia nhỏ gốc lãi trả dần giảm thiểu gánh nặng trả nợ đã giúp chị phần nào giải quyết khó khăn tiếp tục theo đuổi công việc của mình.
Hiện nay, sau 17 năm gắn bó với nghề, xưởng sản xuất hương Đức Hường của gia đình chị Hường đã trở thành một trong những cơ sở sản xuất hương lớn nhất tại xã. Chị Hường đã sở hữu 4 nhà xưởng sản xuất và đóng gói hương, 1 nhà kho chứa hàng chuyên dụng. Điểm đặc biệt ở xưởng làm hương của chị đó là luôn ưu tiên thuê lao động là nữ tại địa phương nhất là những chị em có hoàn cảnh khó khăn. Xưởng hiện nay đã tạo việc làm cho 30 chị em lao động thường xuyên và 20 chị em lao động thời vụ. Mức lương bình quân mỗi lao động là 4 triệu đồng/tháng.
Thu nhập hiện tại của gia đình chị Hường mỗi năm đạt 1,3 tỷ đồng/năm, tổng giá trị tài sản năm 2018 là 7 tỷ đồng. Cuộc sống của gia đình chị cũng được cải thiện nhiều.
Hàng năm, khi nghe cán bộ TYM nói về giải thưởng CMA và đặc biệt khi chứng kiến nhiều chị em thành viên khác cùng chi nhánh với chị được TYM giúp đỡ và đạt giải thưởng này chị Hường rất mong muốn một ngày nào đó mình cũng có thể được nhận vinh dự này. Và cuối cùng đến năm 2018, chị đã đạt được ước mơ đó – trở thành một trong 30 doanh nhân vi mô tiêu biểu đạt giải thưởng CMA.