Thay đổi tư duy-thay đổi cuộc sống
NHCSXH trở thành cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước với người nghèo | |
Ở đâu có người nghèo, ở đó có Ngân hàng Chính sách xã hội | |
NHCSXH với hành trình "Tết vì người nghèo" tại Bắc Giang |
Thay đổi nhận thức, dám đầu tư
Từng bị "mang tiếng" là vay vốn ưu đãi về để trên gác bếp đến ngày đáo hạn thì mang đi trả ngân hàng, nhưng có lẽ chuyện đó đã "xưa như trái đất" với các hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Còn ngày nay, từ nguồn vốn ưu đãi cộng với sự tích cực vận động tuyên truyền của các cấp chính quyền địa phương, tổ chức hội đoàn thể, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên khắp những thôn bản đã giúp các hộ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo. Và có lẽ những câu chuyện về cách thoát nghèo nhờ thay đổi tư duy trong sử dụng vốn vay thì nhiều không kể siết.
Chị Đinh Thị Sóc, xã Thanh An, huyện Minh Long chia sẻ bí quyết trồng keo với cán bộ NHCSXH |
Ở bản Pa Pe, xã Bình Lư, huyện Tam Đường, Lai Châu nhiều người biết đến anh Lò Văn Binh, một gương điển hình trong sản xuất kinh doanh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo lại có đông anh chị em, đất sản xuất không có nhiều, lương thực sản xuất ra không đủ ăn nên cuộc sống rất khó khăn. “Nhiều đêm vắt tay lên trán, trằn trọc suy nghĩ hướng phát triển kinh tế để thoát khỏi đói nghèo nhưng đều bế tắc vì thiếu vốn đầu tư” – anh Binh nhớ lại.
Cuộc sống khó khăn, cái nghèo đeo đẳng khi anh Binh lập gia đình và sinh 2 người con. Một lần nghe Đài phát thanh huyện, các tổ chức hội đoàn thể giới thiệu về nguồn vốn vay của NHCSXH, tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền đến tận gia đình, anh Binh mới biết mình thuộc đối tượng vay vốn làm ăn phát triển kinh tế mà không cần thế chấp tài sản.
Món vay đầu tiên anh Binh nhận được từ NHCSXH là năm 2008. Với 15 triệu đồng, chương trình cho vay hộ nghèo, anh mua trâu chăn nuôi sinh sản, lấy sức kéo và nuôi thêm lợn. Nhờ cần cù chịu khó nên đàn lợn và trâu của gia đình đều lớn nhanh như thổi, thu nhập đều hơn. Sau khi trả nợ đủ cho ngân hàng, năm 2011 anh tiếp tục xin vay 30 triệu chương trình hộ nghèo để đầu tư mua trâu giống và chăn nuôi lợn sinh sản.
“Có thể khẳng định rằng nguồn vốn của anh Binh vay về được sử dụng đúng mục đích. Phía Hội Nông dân xã cũng hỗ trợ, tập huấn, lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm do vậy đàn lợn và trâu của gia đình anh Binh phát triển rất tốt” – đại diện Hội Nông dân xã Bình Lư chia sẻ thêm về hộ vay.
Với sự hỗ trợ của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đến năm 2017 gia đình anh Binh đã thoát nghèo và trả hết nợ ngân hàng. “Gia tài” của gia đình anh là ao cá 300 m2, xây được nhà cấp 4 rộng 100m2 thay thế cho căn nhà dột nát trước kia và còn có tiền để chu cấp cho hai con ăn học đầy đủ để mang cái chữ về phục vụ thôn, bản trong tương lai.
Điều quan trọng đúc kết trong hành trình giảm nghèo của anh Binh là anh đã thay đổi nhận thức, dám đầu tư kinh doanh – cách mà trước tới nay bà con vùng sâu, vùng xa còn rụt rè. “Qua việc vay vốn và sử dụng vốn chính sách hiệu quả của gia đình, tôi đã cùng tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, trưởng bản tích cực tuyên truyền vận động các hộ gia đình vay vốn NHCSXH để phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm cho người thân trong gia đình, vươn lên thoát nghèo" - anh Binh tâm huyết.
Chủ động, mạnh dạn vay vốn
Cũng ở một vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác, người dân đã thay đổi tư duy vay vốn làm ăn là huyện miền núi Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi.
Với chủ yếu là đồng bào người Hre - chiếm tới trên 70% dân số của huyện nên việc thay đổi tư duy trong sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng, ví như chiếc “chìa khóa” để mở “cánh cửa” thoát nghèo của người dân. Ông Hồ Văn Nghĩa - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Minh Long chia sẻ: Trước đây bà con rơi vào tình trạng đói nghèo triền miên qua nhiều năm, trong đó có nguyên nhân từ nhận thức và cũng do thiếu vốn sản xuất. Nhưng từ khi có sự hiện diện của NHCSXH cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động đã giúp thay đổi nhận thức, mạnh dạn vay vốn, dư nợ liên tục tăng, nay toàn huyện đã đạt 112 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn tăng, các mô hình sản xuất trong huyện cũng xuất hiện như trồng keo, chăn nuôi bò, nuôi gà vịt, nuôi cá ngày càng nhiều.
Đến xã vùng 3 Thanh An, nơi mà gần 100% là người đồng bào Hre cho thấy sự thay da đổi thịt đang diễn ra rất nhanh. Ông Đinh Ê Hoàng - Chủ tịch UBND xã Thanh An khoe: Thời điểm hiện nay dù còn tới 35% hộ nghèo nhưng đã tiến bộ vượt bậc so với con số 50% của năm 2015 các anh ạ!
“Kết quả này là nhờ các chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó phải kể tới các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như vốn cho vay ưu đãi của NHCSXH” – Chủ tịch xã Đinh Ê Hoàng nói.
Bên cạnh đó, quan trọng hơn nữa là nhờ địa phương và ngân hàng bền bỉ trong công tác tuyên truyền, "mưa dầm thấm lâu". Ngoài ra, xã cũng tăng cường tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi.
"Qua tuyên truyền, tập huấn người dân đã chủ động vay vốn NHCSXH và sử dụng vốn vay hiệu quả" - ông Đinh Ê Hoàng cho hay.
Đơn cử như hộ anh Phạm Văn Choang, chị Đinh Thị Sóc, ở thôn Diệp Hạ đã vươn lên trở thành gương sáng về thay đổi tư duy trong làm kinh tế để thoát nghèo ngay tại quê hương. Đến nay anh Choang đã mở cửa hàng sửa chữa xe máy ngay trung tâm xã, còn chị Sóc hàng ngày chăm sóc cho vườn keo mang lại thu nhập cao.
Chị Sóc tâm sự: Ngày mới lập gia đình anh chị cũng khó khăn. Khi đó nhiều thanh niên trong thôn chỉ biết đi làm thuê ở nơi khác chứ ít người muốn gây dựng sự nghiệp ngay tại quê nhà. “Nhưng mình lại nghĩ khác, ở đâu thì cũng phải làm, tại sao phải đi xa”- chị Sóc chia sẻ. Nói rồi, hai vợ chồng chị Sóc bàn bạc vay được 5 triệu đồng của NHCSXH năm 2006 để trồng 2 ha keo lai và chủ yếu lấy công làm lãi là chính.
Qua vài vụ thu hoạch, năm 2016, chị Sóc lại vay 30 triệu đồng của NHCSXH để mở rộng diện tích trồng keo lên 10 ha. Chị Sóc ước tính, 2 năm nữa sẽ thu hoạch 10 ha keo, trừ chi phí, thu lãi 500 triệu đồng.
Hai câu chuyện trên tuy ở vùng miền khác nhau, nhưng có một điểm chung là từ đồng vốn nhỏ, đã giúp các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh để vươn lên, đó là thành công mà không thể có được trong ngày một, ngày hai mà NHCSXH đã vun đắp trong nhiều năm qua.