CIC tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh giá dịch vụ thông tin tín dụng
Công nghệ hỗ trợ thế nào với tài chính tiêu dùng? | |
CIC chính thức vận hành hệ thống hỗ trợ khách hàng |
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội nghị |
Tham dự Hội nghị còn có Lãnh đạo các vụ, cục của NHNN; đại diện các TCTD và đông đảo cán bộ, nhân viên Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam.
Báo cáo về công tác 6 tháng đầu năm, ông Đỗ Hoàng Phong – Tổng giám đốc CIC cho biết, bám sát kế hoạch công tác và định hướng hoạt động của NHNN, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam đã tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ ngay từ đầu năm, nhờ đó, hoạt động của CIC trong 6 tháng đầu năm đã duy trì được sự ổn định, phát triển tốt đóng góp vào sự thành công chung của NHNN Việt Nam.
Về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, đến nay, CIC liên tục duy trì và thực hiện thu thập thông tin từ 100% TCTD và Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, trên 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và 35 tổ chức tự nguyện. Làm việc với Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội để nâng cao chất lượng thông tin báo cáo của các tổ chức này. Do vậy, tổng số khách hàng vay được CIC cập nhật vào kho dữ liệu TTTD quốc gia là trên 36,8 triệu, tăng gần 2 triệu so với cuối năm 2017. Việc thu thập, xử lý, cập nhật thông tin đều được kiểm soát chặt chẽ và được thực hiện tự động hóa trên nền tảng CNTT.
CIC cũng thực hiện cung cấp báo cáo gửi Ban Lãnh đạo NHNN về tình hình tăng trưởng tín dụng và biến động nợ xấu của các TCTD hàng tháng; báo cáo đột xuất phục vụ công tác chỉ đạo của Thống đốc; cung cấp cho các vụ, cục chức năng của NHNN…
Thực hiện sự chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2018, CIC đã ban hành quyết định giảm 12% giá toàn bộ các sản phẩm, dịch vụ do CIC thiết kế sẵn kể từ ngày 15/1/2018. Việc giảm giá đồng loạt các sản phẩm thể hiện sự ủng hộ của CIC, đồng hành cùng các TCTD trong việc hạ chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện để các khách hàng vay tiếp cận tín dụng công bằng, minh bạch trên thị trường.
Đặc biệt, CIC đã chính thức thực hiện mô hình kết nối thông tin trực tiếp với các TCTD (Host to Host) từ tháng 4/2018. Mô hình này cho phép dữ liệu được truyền tự động hai chiều, giảm thiểu sự can thiệp của con người vào quá trình hỏi, tra cứu, báo cáo thông tin; gắn hệ thống của CIC với hệ thống quản trị rủi ro, phê duyệt tín dụng của các TCTD; qua đó rút ngắn thời gian truy vấn, giảm chi phí khai thác thông tin và giảm thiểu rủi ro tác nghiệp của TCTD.
Về nhiệm vụ những tháng cuối năm, Tổng giám đốc CIC Đỗ Hoàng Phong cho biết, CIC sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở TTTD quốc gia cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó duy trì số lượng và chất lượng thông tin thu thập từ các TCTD trong ngành, tiếp tục mở rộng nguồn thông tin từ các tổ chức ngoài ngành để nâng cao độ phủ, duy trì và cải thiện độ sâu của thông tin tín dụng.
Đồng thời, CIC cũng lấy ý kiến người sử dụng để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; cung cấp thông tin kịp thời phục vụ các đơn vị sử dụng, đặc biệt là thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các TCTD của NHNN.
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh trao Bằng khen Tập thể Lao động xuất sắc của Thống đốc NHNN cho Ban Lãnh đạo CIC |
Biểu dương những kết quả đạt được của CIC trong 6 tháng đầu năm 2018, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh ghi nhận, CIC đã cung cấp một khối lượng lớn các báo cáo tín dụng cho các TCTD nhằm phục vụ cho mục đích quản trị rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
“Tôi đánh giá cao nỗ lực của CIC trong việc nâng cao chất lượng và độ phủ thông tin tín dụng thời gian qua. Điều đó đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận, từ chỗ thông tin chủ yếu thu thập từ các nguồn truyền thống là các TCTD lớn, nay CIC đã mở rộng tới hệ thống các Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, và gần đây CIC tiếp tục tiếp cận với các nguồn phi truyền thống, dữ liệu lớn để từng bước bắt kịp với xu hướng hội nhập và phát triển của hoạt động báo cáo tín dụng Việt Nam.” – Phó Thống đốc nhấn mạnh và cho rằng, điều này, đã góp phần làm tăng tính minh bạch, chính xác của thông tin tín dụng theo đúng tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ trong những năm gần đây…
“Các đồng chí nói về những tồn tại, hạn chế đồng thời cũng đưa ra các giải pháp khắc phục tồn tại đó là đúng đắn và tôi đồng tình với các giải pháp của CIC.” – Phó Thống đốc chia sẻ với cán bộ nhân viên CIC.
Tuy nhiên, về nhiệm vụ những tháng cuối năm, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh lưu ý CIC tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, cần triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, định hướng hoạt động của Ngành, đặc biệt là Quyết định 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2018 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển năm 2018.
Hai là, về hoạt động đầu tư, công tác quản lý, với nguồn lực tài chính của CIC tương đối tốt nên cần chủ động nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng cơ chế quản lý quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước năm 2017 và có phương án quản lý, đầu tư hiệu quả; Đặc biệt lưu ý đến việc đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, chủ động tiếp cận công nghệ mới để đảm bảo hoạt động đầu tư là thích đáng, hiệu quả và nâng tầm hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng.
Từ đó, tạo sự chủ động cho CIC đưa ra các giải pháp cải tiến quy trình nghiệp vụ từ khâu thu thập, xử lý dữ liệu tới cung cấp sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo hoạt động thông tin tín dụng thực sự là một trụ cột quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia.
Ba là, CIC tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh giá dịch vụ thông tin tín dụng cho các tổ chức tín dụng nói chung và có sự hỗ trợ cần thiết về giá dịch vụ đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở để góp phần giảm chi phí dịch vụ ngân hàng, gián tiếp giảm chi phí cho vay đối với các tổ chức kinh tế và cá nhân theo định hướng chung của Đảng, Nhà nước và NHNN.
Bốn là, về phát triển và cung ứng dịch vụ, bản chất CIC cung cấp dịch vụ trên nền tảng công nghệ nên sẽ bị tác động lớn của CMCN 4.0 với các tác động trực tiếp như Bigdata, IoT, AI... Do đó, CIC cần đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ để thích ứng, đáp ứng với các thay đổi công nghệ; đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới.
“Chúng ta phải thay đổi, phải có nghiên cứu từ bây giờ, vì tương lai đều dựa trên nền tảng tự động hóa. Và CIC cần có những dự án đầu tư về công nghệ thông tin để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.” – Phó Thống đốc lưu ý.