Tập đoàn Alibaba mong muốn hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh phát triển TMĐT
Xu hướng tất yếu | |
Internet làm thay đổi ngành tài chính-ngân hàng | |
DN ngày càng quan tâm đến TMĐT |
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã chia sẻ tới lãnh đạo Tập đoàn Alibaba một số thông tin về chính sách thúc đẩy phát triển của thương mại và thanh toán điện tử ở Việt Nam ngày càng đồng bộ, bắt kịp với xu thế phát triển thế giới, tạo điều kiện tốt nhất cho các NĐT nước ngoài đầu tư kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và Chủ tịch Tập đoàn Alibaba Jack Ma |
Theo thống kê, Việt Nam là nước có dân số trẻ và 50 triệu người hiện đang sử dụng internet, tương đương trên 53% dân số (cao hơn mức trung bình của thế giới). Con số này rất có ý nghĩa đối với thương mại điện tử, đặc biệt là việc phát triển nền kinh tế không dùng tiền mặt là định hướng nhất quán và lâu dài của Chính phủ Việt Nam.
Trong suốt thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan liên quan, trong đó có NHNN đã nỗ lực tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế không dùng tiền mặt: Hành lang pháp lý cho thanh toán không dùng tiền mặt và Thương mại điện tử đã có từ những năm 2012, 2013.
Với sự phát triển của công nghệ fintech thời gian gần đây, Chính phủ cũng đã ban hành các kế hoạch, đề án tổng thể nhằm tập trung thiết lập hệ thống quy định pháp lý liên quan, tăng kim ngạch thương mại điện tử và giảm tối đa tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt. Đây là những cơ sở và điều kiện hết sức thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của thương mại điện tử tại Việt Nam.
Trong thương mại, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam chiếm đông đảo và đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp này vẫn đang sử dụng phương thức giao dịch truyền thống với thủ tục khá rườm rà và khi muốn tìm đối tác nước ngoài để xúc tiến thương mại thì thường phải chịu chi phí trung gian. Do vậy, Thống đốc Lê Minh Hưng NHNN hoan nghênh các ý tưởng và kế hoạch kinh doanh, hợp tác tại Việt Nam của Tập đoàn Alibaba.
Thống đốc cũng đánh giá rất cao sáng kiến của Alibaba khi trở thành một trong những nhà sáng lập Liên minh Hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam cũng như việc Alibaba hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam, trong đó có FPT để cung cấp nền tảng kinh doanh trực tuyến áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Với kinh nghiệm và công nghệ của Alibaba, Thống đốc kỳ vọng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua phương thức xuất nhập khẩu trực tuyến sẽ giảm thời gian, chi phí trong việc xúc tiến thương mại từ khâu tiếp thị sản phẩm đến giao dịch và thanh toán.
Về phía mình, ông Jack Ma thấy rất phấn khởi được Thống đốc tiếp đón và ủng hộ kế hoạch kinh doanh của Tập đoàn tại Việt Nam. Trong thời gian tới, theo chia sẻ của ông Jack Ma, định hướng phát triển của Tập đoàn này là đẩy mạnh phát triển cung cấp các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho DNVVN, DN khởi nghiệp và cả người tiêu dùng Việt Nam...
Alibaba là một trong những doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trong thương mại và thanh toán điện tử, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây. Tương tự chiến lược tiếp cận thị trường Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines, ban đầu Alibaba định hướng với các công ty hoạt động trong lĩnh vực fintech payment, từ hoạt động trong thương mại và thanh toán điện tử bán buôn (đối với các doanh nghiệp) sau đó phát triển, mở rộng khai thác thị trường bán lẻ.
Tại Việt Nam, Alibaba đã chính thức hoạt động từ 2008 và kinh doanh trong lĩnh vực tư vấn, cung ứng nền tảng mua bán, kinh doanh trực tuyến. Hiện nay, Alibaba đang có định hướng với một số công ty Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực fintech payment như: Dự kiến hợp tác với Tập đoàn FPT trong việc cung cấp nền tảng kinh doanh trực tuyến cho các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua các ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất; khai thác thêm mảng bán lẻ trực tuyến phục vụ khách hàng cá nhân; Hay như đối với Napas, Tập đoàn này dự kiến hợp tác trong thanh toán điện tử, ứng dụng QR code,...