Cơ chế điều hành tỷ giá mới sau 3 tháng đã phát huy tác dụng
Mấu chốt là niềm tin ở đồng Việt Nam | |
Chính sách phù hợp, giúp tăng dự trữ ngoại hối | |
Chính sách tỷ giá mới: Bước đi cần thiết |
Thay vì công bố một mức tỷ giá cố định trong thời gian dài như trước đây, từ đầu năm 2016, hàng ngày, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm biến động hàng ngày. Sau 3 tháng thực hiện cách thức điều hành tỷ giá mới, mặc dù thị trường quốc tế liên tục có nhiều biến động phức tạp, tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước vẫn diễn biến tích cực.
Ngày 31/12/2015, NHNN đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ-NHNN về việc công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD, tỷ giá tính chéo của VND với một số loại ngoại tệ khác.
Ảnh minh họa |
Theo đó, thay vì công bố một mức tỷ giá cố định trong thời gian dài như trước đây, từ đầu năm 2016, hàng ngày, NHNN công bố tỷ giá trung tâm làm cơ sở để các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối xác định tỷ giá mua, tỷ giá bán của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ trong biên độ quy định.
Tỷ giá trung tâm có thể biến động hàng ngày theo cả hai chiều lên xuống, được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Bên cạnh việc công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày, vào thứ năm hàng tuần (hoặc ngày làm việc liền kề trước ngày thứ năm trong trường hợp ngày thứ năm là ngày lễ, ngày nghỉ), NHNN công bố tỷ giá tính chéo của VND với một số ngoại tệ khác để xác định trị giá tính thuế trên trang thông tin điện tử của NHNN.
Công bố tỷ giá trung tâm (thay cho tỷ giá bình quân liên ngân hàng) biến động linh hoạt hàng ngày theo diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước, biến động trên thị trường thế giới, nhưng vẫn đảm bảo vai trò quản lý của NHNN theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ.
Thị trường ngoại tệ hấp thu tốt hơn các cú sốc bên ngoài
Đánh giá về thị trường ngoại tệ sau 3 tháng áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới, TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (BDI) nhận định: "Việc áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới sau một Quý đã phát huy tác dụng tích cực. Ngân hàng trung ương đã hoàn toàn chủ động trong điều hành tỷ giá, giữ cho tỷ gía tương đối ổn định. Thanh khoản thị trường tốt”.
Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Bùi Quốc Dũng, sau một quý áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, tỷ giá giao dịch trên thị trường giảm nhanh xuống mặt bằng mới thấp xa so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015.
Tính đến 7/4, tỷ giá trung tâm đã giảm 200 đồng/USD so với ngày công bố đầu tiên. Cùng kỳ năm ngoái, khi chưa áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, sóng tỷ giá đã nổi lên theo diễn biến của thế giới, có thời điểm tỷ giá chỉ còn cách trần do NHNN công bố chưa đến 100 đồng. Thanh khoản của thị trường tốt. Tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước. Tất cả các TCTD mua ngoại tệ kỳ hạn của NHNN ngày 31/12/2015 đã hủy giao dịch kỳ hạn để tự cân đối trên thị trường.
Quan trọng hơn, diễn biến tích cực này của thị trường ngoại tệ diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động mạnh theo chiều hướng bất lợi. Từ ngày 4-7/1/2016, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc liên tiếp phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ với tổng mức phá giá lên tới xấp xỉ 1,1%, thị trường chứng khoán Trung Quốc hai ngày phải ngừng giao dịch do lao dốc trên 7%, kéo theo sự sụt giảm trên một loạt các thị trường chứng khoán lớn, giá dầu chạm đáy hơn một thập kỷ. Đồng tiền nhiều nước châu Á giảm giá mạnh.
Như vậy, việc thị trường ngoại tệ diễn biến ổn định trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động mạnh là một xu hướng trái ngược hẳn so với năm 2015. Diễn biến này cho thấy điểm thành công nhất trong cách thức điều hành tỷ giá mới đã giúp thị trường ngoại tệ hấp thu tốt hơn các cú sốc bên ngoài, giảm thiểu tác động bất lợi tới tỷ giá.
Mặt khác, cách thức điều hành tỷ giá mới cũng làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ ra lấy VND để hưởng lợi tức lớn hơn, giải phóng lượng ngoại tệ được đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua.
Việc thay đổi cách thức điều hành tỷ giá cũng là bước đi tiếp theo trong lộ trình chống đô la hóa, nâng cao vị thế của Đồng Việt Nam, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Đây là bước đi tiếp sau các biện pháp đồng bộ đã được thực hiện trong thời gian qua như thu hẹp đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ, chuyển dần quan hệ huy động-cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua-bán ngoại tệ, ban hành Thông tư 15/2015/TT-NHNN khuyến khích các ngân hàng thương mại sử dụng công cụ phái sinh kỳ hạn trong giao dịch với khách hàng, giảm lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống mức 0% với cả tổ chức kinh tế và khu vực dân cư, qua đó khuyến khích doanh nghiệp và người dân chuyển sang nắm giữ VND để hưởng lợi tức cao hơn thay vì đầu cơ tích trữ USD.
Bán ngoại tệ kỳ hạn – Chủ động dẫn dắt thị trường
Quan trọng hơn, cách thức điều hành tỷ giá mới được bổ sung, hỗ trợ bởi sự đổi mới của NHNN trong việc đa dạng hóa hình thức bán, không chỉ bán giao ngay mà còn bán kỳ hạn.
Theo đó, ngày 31/12/2015, NHNN bán ngoại tệ kỳ hạn cho phép hủy ngang với các TCTD. Kỳ hạn giao dịch là 90 ngày với tỷ giá kỳ hạn cao hơn 1% so với tỷ giá bán giao ngay của NHNN. Đây là biện pháp điều hành mới với nhiều ưu điểm.
Theo đó, mặc dù không đưa ra các cam kết về tỷ giá như trước đây, NHNN vẫn thực hiện được chức năng định hướng, dẫn dắt kỳ vọng thị trường, bởi căn cứ vào tỷ giá kỳ hạn, thị trường có thể ngầm hiểu mục tiêu của NHNN là tỷ giá có thể tăng đến 1% trong một quý tới.
Theo cách này, NHNN không phải bán một lượng lớn ngoại tệ theo hình thức giao ngay mà vẫn giúp ổn định tâm lý cho thị trường, nhờ đó TCTD sẵn sàng bán ngoại tệ cho khách hàng khi thị trường khan hiếm nguồn cung.
Việc cho phép các TCTD có thể linh hoạt lựa chọn hủy giao dịch với NHNN khi nguồn cung trên thị trường dồi dào, sẽ giúp thị trường tự điều tiết khi nguồn cung cải thiện. NHNN không phải bán ngoại tệ, phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô.
Như vậy, với cơ chế này, mặc dù tỷ giá diễn biến linh hoạt, bám sát diễn biến trong và ngoài nước nhưng vẫn neo được kỳ vọng của thị trường thông qua tỷ giá bán kỳ hạn để định hướng vùng mục tiêu tỷ giá, qua đó ổn định tâm lý, chủ động dẫn dắt thị trường.
Việc kết hợp cách thức điều hành tỷ giá mới với cơ chế bán ngoại tệ kỳ hạn kế thừa được điểm mạnh của cơ chế tỷ giá có cam kết là neo kỳ vọng thị trường, ổn định tâm lý trong khi vẫn cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt với các cú sốc vốn ngày càng liên tục với cường độ mạnh trên thị trường quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển của kinh tế trong nước trong tiến trình hội nhập vào kinh tế quốc tế.
Trên thực tế đã có một số ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới thực hiện can thiệp ngoại hối bằng hợp đồng kỳ hạn. Theo đó, NHTW bán ngoại tệ kỳ hạn nhằm đối ứng cho hợp đồng bán kỳ hạn giữa NHTM với khách hàng, do đó nghiệp vụ bán kỳ hạn của NHTW cũng tương tự như của NHTM. Tuy nhiên, cách thức can thiệp như vậy có thể khiến NHTW ở thế bị động, không có nhiều tác dụng trấn an tâm lý thị trường.
Khắc phục nhược điểm trên, cơ chế bán ngoại tệ kỳ hạn của NHNN không phải để đối ứng hợp đồng kỳ hạn của NHTM mà do NHNN chủ động thực hiện như một công cụ hỗ trợ và dẫn dắt thị trường, không chỉ định hướng mức biến động tỷ giá tối đa trong từng thời kỳ và mà còn sẵn sàng dịch chuyển nguồn cung ngoại tệ tương lai về hiện tại để bổ sung thanh khoản cho thị trường, ổn định tỷ giá, đồng thời cho phép TCTD tự cân đối một cách hiệu quả cung-cầu ngoại tệ vốn mang tính mùa vụ để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Chưa thể thả nổi hoàn toàn tỷ giá
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý hiện nay là một lựa chọn phù hợp với một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam
Bởi lẽ, với cơ chế tỷ giá thả nổi hoàn toàn cho phép thị trường tự do quyết định mức tỷ giá hàng ngày. Tuy nhiên, tỷ giá thả nổi hoàn toàn thường biến động mạnh trong ngắn hạn trước tác động của các yếu tố tâm lý, kỳ vọng hay cú sốc kinh tế - tài chính trong và ngoài nước. Thực tế năm 2015 cho thấy tỷ giá nhiều nước đã biến động rất mạnh như Malaysia Ringit mất giá 22% hay Indonesia Rupia mất giá hơn 10%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân đối vĩ mô của các nước này.
Ngoài ra. yếu tố tâm lý có thể khiến tỷ giá tăng cao hoặc giảm sâu một cách cực đoan mà không phản ánh đúng các cân đối vĩ mô của nền kinh tế trong một thời gian dài. Tỷ giá biến động mạnh sẽ gây khó khăn cho công tác lập kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả của nền kinh tế.
Vì thế, chỉ có các nước có nền tài chính phát triển sâu với đầy đủ các công cụ để doanh nghiệp có thể bảo hiểm rủi ro về tỷ giá mới áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi hoàn toàn. Phần lớn các nước trên thế giới kể cả những nước có nền kinh tế tương đối phát triển như Singapore vẫn áp dụng cơ chế tỷ giá có quản lý.
Trong khi đó, việc điều hành tỷ giá quá cứng nhắc trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động phức tạp có thể gây áp lực lớn đối với kinh tế trong nước. Do đó, cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý hiện nay là một lựa chọn phù hợp với một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.
Với việc tham gia vào một loạt các hiệp định thương mại tự do trong năm 2016, Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới hơn bao giờ hết. Cơ chế tỷ giá hiện nay cho phép tỷ giá của Việt Nam thay đổi kịp thời với những thay đổi về tỷ giá của các đối tác, và do đó đảm bảo được sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Đồng thời, cơ chế tỷ giá hiện nay cũng tránh được những biến động thái quá về tỷ giá, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tránh được những cú sốc không cần thiết do các biến động về tỷ giá gây ra.
“Khi thị trường tài chính của Việt Nam thực sự phát triển sâu và doanh nghiệp có đầy đủ các công cụ để bảo hiểm tỷ giá thì tỷ giá có thể thả nổi hoàn toàn cho thị trường quyết định” – ông Dũng khẳng định.