Cơ chế tỷ giá mới sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả
Nắm rõ tỷ giá, tính đúng đầu tư | |
Điều hành lãi suất, tỷ giá năm 2016: Tiếp tục mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô | |
Ổn định nhưng không cố định |
Ngày 17/3, tỷ giá được NHNN công bố là 21.863 đồng, giảm 15 đồng so với hôm trước đó. Ngày 18/3, tỷ giá trung tâm tiếp tục được NHNN điều chỉnh giảm mạnh 25 đồng xuống mức 21.838 đồng/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các NHTM áp dụng ngày 18/3 là 22.493 đồng và tỷ giá sàn là 21.182 đồng/USD. Tại các NHTM đồng loạt giữ nguyên giá mua – bán USD xung quanh mức 22.250 đồng/USD - 22.325 đồng/USD. Cụ thể, tại Vietcombank tỷ giá niêm yết ở mức mua vào 22.255 đồng/USD – bán ra 22.325 đồng/USD.
Như vậy, so với ngày đầu tiên bắt đầu điều hành bằng cơ chế mới (ngày 4/1), tỷ giá trung tâm ở mức 21.896 đồng/USD và tỷ giá niêm yết của NHTM quanh mức mua vào 22.461 đồng/USD – bán ra 22.535 đồng/USD thì đến nay tỷ giá trung tâm đã giảm 33 đồng; giá bán ra của NHTM đã giảm 210 đồng.
Ảnh minh họa |
Kết quả này có phần bất ngờ, bởi khi NHNN chuyển sang điều hành tỷ giá theo cơ chế mới, đã có một số chuyên gia dự báo rằng, giá bán kỳ hạn vào những ngày cuối tháng 3/2016 có thể cao hơn 1% so với giá bán đầu năm.
Cách điều hành đó được ngầm hiểu rằng, suốt trong quý I tỷ giá điều chỉnh 1%. Và thay vì NHNN công bố điều chỉnh tỷ giá 1% (như từng điều chỉnh vào các năm trước) thì NHNN xử lý về mặt kỹ thuật.
Tuy nhiên, cái hay của cách điều chỉnh này, theo lời vị cán bộ vụ chức năng của NHNN là giới đầu cơ cũng “không biết đâu mà lần”. Vì có thể NHNN bằng cách xử lý kỹ thuật, thì không biết tỷ giá sẽ tăng bao nhiêu, thậm chí được điều chỉnh giảm nếu cung – cầu ổn định.
Điều gì đã khiến cách điều hành tỷ giá của NHNN đạt được thành công? Tỷ giá trung tâm này tăng giảm dựa trên 3 điều kiện tham chiếu.
Thứ nhất, là trên cơ sở cung – cầu ngoại tệ trong nước, tức là tỷ giá bình quân liên NH có trọng số. Điểm này, khác biệt so với một số nước, trong đó có Trung Quốc, vì Trung Quốc áp dụng tỷ giá bình quân liên NH nhưng đóng vào cuối phiên.
Còn với cách điều hành mới của NHNN, tính bình quân trọng số rải đều cho cả phiên và cứ tính trọng số của khối lượng từng phiên nhân với tỷ giá bình quân liên NH. Nếu chốt tỷ giá ở cuối phiên, thì giới đầu cơ có thể làm giá bằng cách bán thật mạnh để giảm giá cuối phiên và làm giá chốt. Còn với cách tính trọng số của khối lượng giao dịch từng phiên có ưu điểm là không thể làm giá được.
Điều kiện thứ hai để hình thành tỷ giá trung tâm là dựa trên biến động của đồng đô la Mỹ với một số ngoại tệ chính trên thị trường tài chính. Đây là điểm mà các chuyên gia đánh giá cao, ít nhất là có sự khác biệt so với các nước trên thế giới. Hiện điển hình có Singapore dựa trên biến động ngoại tệ của các nước (thiên về quốc tế), còn Trung Quốc thì dựa trên giá đóng cửa tỷ giá liên NH, dựa hoàn toàn vào trong nước.
“Còn cách điều hành của mình là tỷ giá vừa tham chiếu, vừa phản ánh thị trường quốc tế (thực tế năm 2015 thị trường quốc tế tác động đến diễn biến thị trường ngoại hối của chúng ta rất nhiều). Cách điều hành kết hợp này được đánh giá rất cao”- một chuyên gia NH tâm đắc.
Và yếu tố thứ ba, quyết định tỷ giá trung tâm chính là tham chiếu dựa trên cân đối vĩ mô trong từng giai đoạn.
Phương thức điều hành tỷ giá mới, có lẽ những khách hàng là DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hiểu rõ tác động và tính hiệu quả của cơ chế tỷ giá trung tâm nhất.
Trao đổi với phóng viên Thời báo ngân hàng mới đây, ông Nguyễn Văn Hưởng – Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Tâm (chế biến nông sản xuất nhập khẩu) cho biết, lúc đầu DN cũng bỡ ngỡ vì đã quen với cách tính tỷ giá theo biên độ từ 1-3%, nhưng sau gần 1 quý áp theo cơ chế tỷ giá trung tâm, thị trường đã ổn định, tỷ giá trở lại bình thường.
“Doanh nghiệp lĩnh vực xuất nhập khẩu chúng tôi không thấy vướng mắc gì với chính sách điều hành tỷ giá của NHNN. Đặc biệt, thị trường có lên, có xuống thậm chí có thời điểm xuống thấp hơn so với thời điểm bắt đầu tăng biên độ là một thành công.” – ông Hưởng chia sẻ và cho rằng, cơ chế điều hành tỷ giá mới sẽ tiếp tục mang lại hiệu quả trong thời gian tới.