Cơ giới hóa nông nghiệp: Phụ thuộc máy ngoại
Theo số liệu tổng hợp của Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), hiện nay trên thị trường máy móc phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, thủy sản chỉ có khoảng 30% sản phẩm là do các DN Việt Nam sản xuất và lắp ráp. Trong đó, số DN tự sản xuất các linh kiện, chi tiết tại Việt Nam cũng chỉ chiếm 1 phần nhỏ, còn lại là nhập khẩu các bộ phận máy móc từ nước ngoài về gia công, chế tạo.
Máy nông nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh với máy nhập khẩu
Số liệu trên cũng được kiểm chứng bằng việc trong năm 2013, sau 3 lần rà soát và lập danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch được hưởng chính sách chỉ bổ sung thêm được 15 DN có sản phẩm đáp ứng được yêu cầu nội địa hóa 60%.
Như vậy, có thể thấy rằng, nếu tính cả các DN nhập khẩu trực tiếp máy móc nông nghiệp từ nước ngoài và các DN nhập khẩu linh kiện, bộ phận về chế tạo, lắp ráp thì hiện nay, việc cơ giới hóa ngành nông nghiệp của Việt Nam phụ thuộc 70% - 80% vào các máy móc nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác.
Ông Đoàn Xuân Hoà, Phó cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do hiện nay, công nghiệp phụ trợ cho ngành sản xuất máy móc nông nghiệp ở Việt Nam không phát triển. Do đó, các DN có vốn nước ngoài ít đầu tư vào lĩnh vực sản xuất máy móc phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp.
Trong khi đó, ở trong nước, các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp chủ yếu là xưởng cơ khí địa phương với kỹ thuật thiết kế và công nghệ hạn chế. Các DN muốn chiếm lĩnh thị trường, cạnh tranh với máy nhập khẩu thì buộc phải mua lại thiết bị, chi tiết từ nước ngoài về lắp ráp. “Để lắp ráp được 1 động cơ máy nông nghiệp cần phải có vài trăm chi tiết. Nếu trong nước không có công nghiệp phụ trợ sản xuất các chi tiết này thì DN không thể nào tự làm được”, ông Hoà nói.
Đầu năm 2014, Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đã bắt đầu có hiệu lực. Một trong những điểm thay đổi quan trọng nhất của Quyết định 68 là “cởi trói” được tỷ lệ 60% nội địa hóa đối với sản phẩm máy móc phục vụ cơ giới hóa được hưởng chính sách hỗ trợ.
Tuy nhiên, cũng chính từ sự điều chỉnh này, lỗ hổng của ngành cơ điện nông nghiệp Việt Nam thể hiện rõ hơn bằng thực tế phụ thuộc công nghệ ngoại nhập và bỏ ngỏ công nghiệp phụ trợ.
Theo ghi nhận của phóng viên TBNH, sau gần 1 tháng các địa phương triển khai Quyết định 68, hiện hầu hết các TCTD ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, nguồn vốn cho vay hỗ trợ lãi suất theo chủ trương cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch đáp ứng đủ nhu cầu của DN và người dân. Tuy nhiên, việc cho vay đối với các cơ sở sản xuất máy móc nông nghiệp vẫn chưa thực hiện được. Vì theo Quyết định 68, mặc dù yêu cầu về tỷ lệ 60% nội địa hóa đã được bãi bỏ, nhưng danh mục máy móc, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ thì Bộ NN&PTNT vẫn chưa công bố.
Phân tích kỹ hơn về chính sách hỗ trợ này, TS. Phạm Văn Tấn (Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) cho rằng, ngoài việc nhanh chóng thẩm định, công bố danh mục máy móc, thiết bị được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 68, trong những năm tới, Nhà nước cần có chính sách cụ thể hơn nhằm hỗ trợ thích đáng và có hiệu quả cho các nhà máy chế tạo máy nông nghiệp Việt Nam để họ đầu tư công nghệ, phát triển sản xuất và mở rộng thị trường.
“Nếu phát triển được công nghiệp phụ trợ thì sẽ là bước khởi đầu, tạo nền tảng vững chắc cho ngành cơ khí sản xuất máy nông nghiệp”, ông Tấn nhấn mạnh thêm.
Đồng tình quan điểm này, kỹ sư Nguyễn Thể Hà (Công ty Cơ khí Bùi Văn Ngọ - Long An) bổ sung thêm, hiện nay nhu cầu công nhân cơ khí nông nghiệp rất lớn, nhưng nhiều trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp về nông nghiệp không còn đào tạo kỹ sư và cán bộ cơ khí nông nghiệp.
Trong khi đó, chính sách đào tạo nghề của ngành giáo dục và ngành nông nghiệp không theo kịp yêu cầu đổi mới sản xuất. Do đó, ngoài việc chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ thì ngay cả chính sách đào tạo công nhân cơ khí nông nghiệp cũng cần được quan tâm và có chính sách khuyến khích.
Bài và ảnh Thạch Bình