Cơ hội cho tài chính xanh phát triển
Trợ lực cho kinh tế xanh phát triển bền vững | |
Ưu tiên tín dụng xanh, áp dụng công nghệ hiện đại | |
Ngân hàng tìm đến dự án bảo vệ môi trường |
Từ Chính phủ tới người dân đang có sự đồng thuận rất cao trong vấn đề chuyển mạnh mẽ hơn từ một nền kinh tế “nâu” sang nền kinh tế xanh, sạch hơn và việc đầu tư phát triển các dự án, ngành kinh tế và sản xuất xanh cũng càng lúc được chú trọng hơn. Chương trình tín dụng xanh được hệ thống NH triển khai đã hai năm nay.
“Đã có hơn 3 triệu món vay liên quan đến các sản phẩm tín dụng xanh được 11 TCTD cung cấp cho khách hàng với dư nợ đến cuối quý III/2016 đạt khoảng 81 nghìn tỷ đồng. Hoạt động đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong quá trình xem xét, thẩm định hồ sơ vay vốn của khách hàng cũng ngày càng được các TCTD chú trọng”, ông Cát Quang Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết.
Ảnh minh họa |
Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu nhấn mạnh vào mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sự phát triển bền vững, đồng thời thừa nhận biến đổi khí hậu là một thách thức chung đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là hệ thống NH.
Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng, phát triển bền vững và để triển khai nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, ngày 24/3/2015, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Nhưng cũng đã có sự băn khoăn, trong bối cảnh các NHTM còn đang phải lo xử lý nợ xấu, duy trì và phát triển mạng lưới hoạt động, đầu tư hệ thống công nghệ thông tin… thì việc phải bỏ thêm nguồn lực vào mảng tài chính, tín dụng xanh này liệu có quá sức - đại diện một NHTM trong nước đưa ra tại hội thảo “Tài chính xanh: Cơ hội và thách thức” do NHNN và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức ngày 28/11 tại Hà Nội. Có lẽ vị này băn khoăn lo ngại bởi khi nghe tới những số liệu về tín dụng xanh của các NH cỡ vừa và nhỏ của Trung Quốc đưa ra tại hội thảo.
NH Bắc Kinh từ khi tham gia Chương trình Năng lượng hiệu quả (CHUEE) của IFC triển khai tại Trung Quốc năm 2006, đến nay đã cho hơn 3 nghìn DNNVV vay khoảng 10 tỷ USD. Năm 2012 NH Nam Kinh mới tham gia chương trình này nhưng cũng đã cho vay tài chính xanh trên 2 tỷ USD… Những NH lớn hơn của Trung Quốc như NH Hưng Nghiệp đã cho vay khoảng 112 tỷ USD; NH Phát triển Thượng Hải Phố Đông cho vay khoảng 48 tỷ USD...
Nhưng “vốn không phải là câu chuyện đầu tiên” theo kinh nghiệm của các NH Trung Quốc, tức là vấn đề đầu tiên của tài chính xanh không phải là tiền đâu.
Vấn đề đầu tiên là Chính phủ mạnh mẽ trong việc loại bỏ những ngành gây ô nhiễm, tiếp theo là định hướng phát triển tín dụng xanh của NHTW. Tiếp theo là cấp lãnh đạo NHTM nhìn ra được cơ hội mở rộng tín dụng trong xu thế phát triển xanh của toàn cầu và xác định được đây là hướng phát triển bền vững. “Xu hướng tín dụng xanh là tất yếu và bền vững nên chúng tôi quyết tâm đi theo hướng này”, đại diện của NH Nông nghiệp Trung Quốc cho biết. – Bà Đoàn Hồng Lợi, NH Bắc Kinh chia sẻ “tài chính xanh là một định vị chiến lược của NH nên chúng tôi chắc chắn phải đầu tư vào lĩnh vực này”.
Theo bà Vũ Tường Anh, Chương trình năng lượng bền vững của IFC tại Việt Nam, cường độ carbon theo GDP của Việt Nam hiện cao thứ hai trong khu vực sau Trung Quốc. Tăng trưởng xanh đang trở thành yêu cầu ngày càng quan trọng với Việt Nam. Theo ước tính của Bộ Công Thương và các nhà tài trợ, chỉ riêng trong các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả (EE) thì mỗi năm Việt Nam cần tới gần 1 tỷ USD đầu tư. Nếu tính cả tới phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (RE), thì con số sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
Đây chính là yếu tố cho thấy, không chỉ vì quyết tâm và mong muốn của các nhà quản lý hướng đến kinh tế xanh (kéo theo đó là nguồn tài chính, tín dụng xanh) mà đây còn là mảnh đất tiềm năng để nguồn vốn cho vay của các NH phát huy hiệu quả một cách bền vững với rủi ro thấp. Đúng như lời của ông William Beloe, Chuyên gia cao cấp, Vụ Các định chế tài chính của IFC: “Công tác chống biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường sẽ cần nguồn tài chính lớn và phần lớn sẽ đến từ khu vực tư nhân. Đây sẽ là cơ hội cho các NH. Cho vay dự án xanh đem lại hiệu quả cao và rủi ro rất thấp nên sẽ giúp các NH tăng trưởng bền vững”.
Đại diện từ các NH Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm rằng, lúc đầu phát triển tín dụng xanh cũng có nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính và cả nhân lực nhưng sẽ thuận lợi hơn khi có “ngoại lực” bên ngoài như từ IFC (cả về nguồn lực vốn để thực hiện cũng như tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ đào tạo chuyên sâu).
Bà Helen He, quản lý Chương trình Tài trợ Năng lượng bền vững của IFC tại Trung Quốc nhận định: “Tôi được biết, NHNN rất coi trọng vấn đề này và lãnh đạo các NHTM ở Việt Nam cũng đang rất quan tâm đến tín dụng xanh, là điều kiện rất thuận lợi để tài chính xanh phát triển”. IFC cũng đã sẵn sàng hỗ trợ. Vậy nên với các TCTD định vị tài chính xanh trong chiến lược phát triển của mình, từ đó triển khai các mặt hoạt động liên quan cụ thể để biến các cơ hội của kinh tế xanh – một xu thế tất yếu - thành hiện thực.
Đức viện trợ 3,6 triệu Euro cho dự án tăng trưởng xanh tại Việt Nam Dự án Mục tiêu xã hội trong tăng trưởng xanh bền vững ở Việt Nam, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, hạn mức vốn của dự án là 3,8 triệu Euro, trong đó, vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức 3,6 triệu euro, vốn đối ứng 0,2 triệu Euro do Bộ LĐTB&XH tự thu xếp. Dự án gồm 3 hợp phần chính do Bộ LĐTB&XH là cơ quan chủ quản. Hợp phần 1 là phương pháp và kỹ năng thực hiện đánh giá tác động xã hội (SIA) nhằm cải thiện kỹ năng thực hiện đánh giá tác động xã hội của Bộ LĐTB&XH và các cơ quan liên quan. Hợp phần 2 là quy trình và vai trò triển khai đánh giá tác động xã hội nhằm tăng cường vai trò của Bộ LĐTB&XH và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện đánh giá tác động xã hội. Hợp phần 3 là nhận thức về yếu tố xã hội trong tăng trưởng xanh bền vững nhằm cải thiện kiến thức và hiểu biết chung của Bộ LĐTB&XH và các cơ quan liên quan về yếu tố xã hội trong việc thực hiện mục tiêu xanh và bền vững. H.Minh |