Ngân hàng tìm đến dự án bảo vệ môi trường
Tín dụng ngân hàng với phát triển du lịch xanh ĐBSCL | |
Tăng trưởng tín dụng xanh: Cơ hội và thách thức |
Vốn lớn cho dự án dài hạn
Cuối tháng 6 vừa qua, CTCP Đầu tư và Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) đã chính thức khởi công Dự án giải quyết ngập do thủy triều tại khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu. Dự án sẽ được thực hiện trên địa bàn 6 quận, huyện với những tiểu phần chính là xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn, xây dựng đê kè ở các đoạn xung yếu ven sông Sài Gòn và hình thành các trạm bơm công suất lớn hỗ trợ tiêu thoát nước cho các điểm ngập nặng tại TP.HCM.
Nhiều NH ngày càng quan tâm hơn đến việc tìm đến các dự án bảo vệ môi trường cho vay vốn |
Để triển khai dự án này, Trung Nam Group được BIDV cam kết sẽ cho vay một khoản vốn lớn trị giá 8.800 tỷ đồng (tương đương 89% tổng mức đầu tư dự án). Nguồn vốn vay sẽ được BIDV giải ngân theo tiến độ trong vòng 10 năm, ân hạn 3 năm với mức lãi suất ưu đãi cố định có sự hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước.
Việc cam kết tài trợ nguồn vốn dài hạn lên tới gần 9.000 tỷ đồng của BIDV cho thấy xu hướng đầu tư tín dụng vào các dự án phục vụ tăng trưởng bền vững và đối phó với các điều kiện biến đổi khí hậu đang bắt đầu hấp dẫn các NHTM lớn.
Thực tế cho thấy, chỉ từ tháng 3/2015 đến nay, hưởng ứng theo Chỉ thị 03/2015 của NHNN, đã có hàng chục NHTM đạt được các cam kết cấp vốn cho các dự án cải thiện hạ tầng, cải thiện môi trường và giảm thiểu các tác hại từ biến đổi khí hậu. Chẳng hạn, ngay sau khi Chương trình tín dụng xanh của NHNN được phát động đã có 4 NHTM là Agribank, BIDV, Sacombank và Vietcombank tham gia cho vay thí điểm với tổng hạn mức vốn khoảng 2.000 tỷ đồng.
Với mức vốn này, dự kiến các TCTD sẽ hỗ trợ cho khoảng 20 - 25 dự án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo; xử lý, tái chế rác thải và nông nghiệp hữu cơ. Các DN tham gia vay vốn có thể được vay với lãi suất ngắn hạn chỉ khoảng 6,5%/năm, thấp hơn từ 1-2% so với vay thương mại thông thường.
Một số NHTM khác như SHB, SCB, Techcombank gần đây cũng lần lượt công bố, họ sẽ tập trung hơn vào cho vay đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực hướng đến tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường.
Cụ thể, sau khi đạt được thỏa thuận tham gia vào dự án Hỗ trợ Đầu tư xanh (nguồn vốn tài trợ 110 tỷ đồng từ Đan Mạch), Techcombank và SCB đã cam kết sẽ hỗ trợ bảo lãnh 50% giá trị khoản vay cho các DNNVV khi tham gia vay vốn, đồng thời xem xét các điều kiện cấp thêm hạn mức tín dụng để DN phát triển các phương án sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, SHB cũng vừa được NHNN chỉ định thực hiện cho vay đối với khoản vốn 142,5 triệu USD vay lại từ ADB nhằm mục tiêu khôi phục mạng lưới cung cấp nước, cải thiện kế hoạch kinh doanh nước tại một số địa phương.
Cửa tiếp cận vốn “xanh” khá rộng
Theo tìm hiểu của Thời báo Ngân hàng, vài năm gần đây, khái niệm trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu DN phát hành cho mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng có chú ý đến tác động với môi trường đã bắt đầu được đưa vào kế hoạch ngân sách.
Đến thời điểm hiện tại, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (VEPF) là Quỹ đầu tiên tiếp nhận vốn ngân sách và các nguồn vốn khác để tài trợ cho các dự án bảo vệ môi trường. Hiện nay, tại TP.HCM và một số địa phương, quỹ môi trường thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi bằng 4,8%/năm, tương đương khoảng 50% lãi suất cho vay của các NHTM trên thị trường. Khi tham gia vay vốn tại quỹ này, ngoài việc được hỗ trợ về vốn, các DN cũng sẽ được hỗ trợ về đất đai, thuế thu nhập, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Ngoài ra, một số quỹ khác như Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF – do Thụy Sỹ tài trợ) cũng đã bắt đầu có sự phối hợp với Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam cũng như một số NHTM (ACB, VIB và Techcombank) để đưa ra cơ chế tài trợ vốn vay cho các DNNVV có sự đóng góp một phần từ ngân sách Nhà nước.
Ghi nhận thực tế cho thấy, từ khi NHNN ban hành Chỉ thị 03 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của ngành NH, nhiều TCTD đã tập trung hơn cho hoạt động đầu tư vào các lĩnh vực phát triển bền vững có tính đến các tác động đến môi trường và biến đổi khí hậu.
Chẳng hạn VietinBank đã ban hành kế hoạch hành động với những nội dung cụ thể liên quan đến đánh giá mức độ rủi ro môi trường khi cấp tín dụng; hay Sacombank, Techcombank cũng đã xây dựng một hệ thống quản lý môi trường và xã hội bao gồm các chính sách ưu đãi cấp tín dụng, quy trình thẩm định tác động đến môi trường và xã hội của dự án…
Điều này thể hiện rằng các NHTM sau giai đoạn tái cơ cấu và xử lý quyết liệt nợ xấu tồn đọng từ các năm trước đã bắt đầu có sự chọn lọc khá thận trọng trong hoạt động cấp tín dụng. Bản thân các NH đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ để tận dụng khai thác các nguồn vốn tài trợ từ quốc tế, đồng thời tranh thủ một phần ưu đãi tài chính từ ngân sách để giảm thiểu rủi ro khi cho vay.
Chính vì vậy xu hướng tập trung vào các chương trình tín dụng xanh và cho vay vào các dự án có đánh giá đến tác động môi trường chắc chắn sẽ ngày càng phát triển và cơ hội tiếp cận vốn cho nhóm DN hoạt động trong các lĩnh vực này sẽ khá rộng mở.