Cơ hội tuyệt vời thoái vốn
Để nhà đầu tư nước ngoài "mặn mà" trong việc mua DNNN | |
Thoái vốn tỷ đô | |
Thêm một giải pháp thúc đẩy cổ phần hoá, bán vốn tại DNNN |
Suốt khoảng thời gian suýt soát 1 tháng qua, thị trường chứng khoán đón nhận dòng tiền hồ hởi vào nâng giá. Ở điểm đáy chu kỳ tăng giá lần này, hôm 23/8 thị trường mở cửa ở mức VnIndex hơn 762 điểm, còn đến ngày 19/9, chỉ số này kết phiên ở xấp xỉ 806 điểm. Khoảng 44 điểm giá tăng trong giai đoạn này, tương đương mức tăng 5,7%, có đóng góp từ 15 phiên tăng, chỉ 4 phiên giảm giá. Biểu đồ VnIndex hiện tại là đường giá tăng dựng đứng, đang hướng tới gần ngưỡng kháng cự 810 điểm.
Trên thực tế, trong 8 tháng vừa qua, thị trường vốn ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của hàng hóa mới. Số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 8 vừa qua, tổng số DN niêm yết, đăng ký giao dịch (bao gồm cả trên thị trường UPCoM, các quỹ…) lên tới con số 1.951, tăng gần 14,4% so với thời điểm cuối năm ngoái. Đây là mức tăng theo năm rất cao trong vòng vài năm trở lại đây.
Hàng hóa nhiều hơn, thị trường đang duy trì xu hướng lên điểm đầy hưng phấn. Đây có lẽ cũng là thời điểm thuận lợi để cổ phần hóa DNNN và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục DN mà Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn và tỷ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm trong giai đoạn 2017 – 2020 được thông qua cách đây ít lâu đang được hậu thuẫn bởi thị trường ở thời điểm này.
Ảnh minh họa |
Theo đó, tổng số lượt DN sẽ tiến hành thoái vốn là 406, trong đó năm 2017 thoái vốn tại 135 DN, năm 2018 thoái ở 181 DN, năm 2019 là 62 DN và năm 2020 với 28 DN. Rất nhiều DN lớn, chiếm lĩnh thị trường, có dư địa phát triển nằm trong danh sách này và nhiều khả năng sẽ IPO ngay trong năm nay. Đáng chú ý là: Vinataba (thuốc lá), VICEM (xi măng), HUD (xây dựng và bất động sản), DICO (khu công nghiệp), Vinafood 2 (lương thực), Hapro (bán lẻ, xuất nhập khẩu), Khatoco (dệt may), Becamex (bất động sản, khu công nghiệp), GENCO 3 (phát điện)…
Các năm tới, một số DN “đình đám” không kém cũng sẽ sẵn sàng để lên sàn, trong đó đáng chú ý là Handico (bất động sản), UDIC (hạ tầng đô thị), Hapulico (thiết bị chiếu sáng), Hawacom (cấp nước), SATRA (thương mại), Sawaco (cấp nước)… Năm tiếp theo sẽ là Vinafood 1 (lương thực), VNPT (viễn thông), Vinacomin (than, khoáng sản), Vinachem (hóa chất)…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ tính riêng 6 tháng cuối năm, số vốn thoái từ các DN trên là gần 20 nghìn tỷ đồng, thu về ước tính khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Với 406 lượt DNNN phải thoái vốn từ nay tới năm 2020, tổng số vốn dự kiến thoái theo mệnh giá là khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Một số công ty chứng khoản ước tính, nếu thoái vốn khỏi 406 DN thì Nhà nước có thể thu về xấp xỉ 100 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 4 tỷ USD.
Kết quả thoái vốn như vậy sẽ đem về nguồn vốn lớn cho Nhà nước, đồng thời thu hút nhiều hơn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 8 tháng qua khoảng 3,5 tỷ USD đã được khối FDI dành để góp vốn, mua cổ phần tại thị trường Việt Nam, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Các thống kê cũng cho biết tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã mua ròng khoảng 13,3 nghìn tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam, trở thành một lực đỡ mạnh cho VnIndex thời gian vừa qua.
Ở bối cảnh như vậy, khó có DNNN nào còn có thể tiếp tục nói “thị trường không phù hợp để thoái vốn”, như những năm trước đây. Lúc này, cùng với thị trường phái sinh đi vào hoạt động và cam kết mạnh mẽ của cơ quan điều hành về tính minh bạch, chứng khoán đang “mở cửa” cho hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước khỏi các DN. Có lẽ sẽ không còn băn khăn bán lỗ, lo ngại trách nhiệm thất thoát vốn Nhà nước…
Hơn tất cả, việc thoái vốn thành công sẽ mở ra một cơ hội để Nhà nước rút khỏi các ngành, lĩnh vực không cần đầu tư, để lại cơ hội kinh doanh cho các DN thuộc thành phần kinh tế khác. Việc cung ứng thêm hàng hóa cũng là cơ hội để thúc đẩy thị trường vốn phát triển. Và đó sẽ là “bệ phóng” cho DN để huy động vốn sản xuất kinh doanh, đồng thời hoàn thiện thêm một bước thị trường tài chính và qua đó giảm áp lực vốn cho hệ thống ngân hàng.