Để nhà đầu tư nước ngoài "mặn mà" trong việc mua DNNN
Tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn còn chậm | |
Thoái vốn tỷ đô | |
Phê duyệt danh mục DNNN sẽ thoái vốn tới năm 2020 |
Hội thảo tập trung trao đổi về các vấn đề thực tiễn và thách thức mà các nhà đầu tư nước ngoài đối mặt trong quá trình tham gia cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước trong các DNNN.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận về những nguyên nhân và giải pháp cho các vấn đề pháp lý và thực tiễn khiến cho quá trình này kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, như giới hạn về tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài, hạn chế cung cấp thông tin, thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện, định giá thiếu thực tế và không phản ánh giá trị thực của doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo |
"Để có thể tối đa hoá doanh thu từ cổ phần hoá và tăng sự tin tưởng của các nhà đầu tư, cần thiết phải cho họ thấy được một quá trình cổ phần hoá, thoái vốn minh bạch và cung cấp cho họ đầy đủ các thông tin có liên quan về doanh nghiệp" ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành của AMCHAM chia sẻ tại hội nghị.
Trao đổi ý kiến về những bất cập của cổ phần hoá DNNN, trong bài tham luận gửi đến hội thảo, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã chỉ ra một nghịch lý của quá trình cổ phần hoá DNNN là mặc dù 96,5% doanh nghiệp đã được cổ phần hoá nhưng chỉ có 8% số vốn Nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này, theo Tiến sĩ Trần Đình Thiên là do tỷ lệ vốn Nhà nước được phép bán rất hạn chế, may lắm cũng chỉ là 49%.
"Với tỷ lệ nắm giữ cổ phần hạn chế, các doanh nghiệp tư nhân bị loại khỏi quyền tham gia điều hành chứ chưa nói đến quyền chi phối doanh nghiệp", ông Thiên cho biết thêm. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài "ít mặn mà với việc mua doanh nghiệp nhà nước", Tiến sĩ Trần Đình Thiên chia sẻ trong bài tham luận của mình.
Cũng cùng quan điểm với Tiến sĩ Trần Đình Thiên, ông Tony Foster, luật sư điều hành công ty luật Freshfields (Anh) cho rằng để thu hút được các nhà đầu tư nghiêm túc và dài hạn, cần phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư được mua cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp cổ phần hoá hay thoái vốn Nhà nước. Điều này sẽ mang đến việc chào giá tốt hơn từ nhà đầu tư và tạo thêm doanh thu cho Chính phủ. Trong phần đề xuất của mình, ông Tony Foster kiến nghị các cơ quan Chính phủ xem xét sửa đổi các quy định pháp luật để cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 49% cổ phần trong các doanh nghiệp cổ phần hoá hay thoái vốn Nhà nước.
Định giá doanh nghiệp một cách thực tế cũng là một trong những nội dung được đông đảo các đại biểu tham dự hội thảo quan tâm. Một số đại biểu tỏ ra quan ngại với yêu cầu về việc định giá phải dựa trên giá giao dịch thị trường - một mức giá thường không thể hiện chính xác giá trị của doanh nghiệp, ông Johnathan Ooi, một chuyên gia về M&A đến từ công ty PriceWaterhouse Coopers cho biết, giữa các nhà đầu tư và các doanh nghiệp cổ phần hoá có sự khác biệt trong cách hiểu về định giá.
Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, ông Johnathan Ooi kiến nghị cần phải có một đơn vị đánh giá độc lập tiến hành việc định giá dựa trên các chuẩn mực quốc tế được chấp nhận bởi các nhà đầu tư quốc tế. "Nhà đầu tư chỉ quyết định đầu tư đáng kể khi họ thấy được sự cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận", ông Johnathan chia sẻ.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khuyến nghị, để có thể nâng cao hiệu quả và chất lượng của cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp, các cơ quan bộ ngành và các DNNN, cần thường xuyên trao đổi thông tin, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của các nhà đầu tư. Bên cạnh đó là học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để tìm hiểu các nguyên nhân và tìm ra giải pháp nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Song song với đó là nghiên cứu để gỡ bỏ các rào cản pháp lý và hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài; loại bỏ các lợi ích nhóm và nâng cao tính minh bạch cho quá trình cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước của doanh nghiệp.