Cơ hội và thách thức trong giai đoạn mới của quản trị DN
Những nội dung này được tổng hợp từ 9 chủ đề thời sự trong các hoạt động của doanh nghiệp được các giáo sư đến từ châu Âu của Trường Kinh tế và Quản lý Solvay Brussel và các chuyên gia đầu ngành Việt Nam trình bày tại các hội thảo và tọa đàm được tổ chức tại Việt Nam năm 2015.
GS. Marianne Claes phát biểu tại buổi lễ |
Nội dung của cuốn sách đề cập đến các chủ đề: “Doanh nghiệp với chiến lược vươn ra khu vực”, “Quan hệ Việt Nam – EU”, “Phát triển kỹ năng mềm cho nhân sự tại Việt Nam”, “Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam”, “Phát triển kinh tế vi mô tại Việt Nam”, “Trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng”, “Triển khai ERP tại Việt Nam”, “Quản trị marketing”, “Chiến lược phát triển bền vững của các doah nghiệp”.
Phát biểu tại lễ ra mắt, GS. Marianne Claes – Giám đốc Chương trình Solvay Brussels tại Việt Nam cho biết, cuốn sách ra đời nhằm mục tiêu hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Hy vọng cuốn sách trắng này sẽ là một nguồn thông tin hữu ích giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam nhận biết được những trở ngại cũng như những cơ hội đang mở ra, từ đó hình thành chiến lược phát triển theo hướng bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Sandra Kelleners - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Bỉ tại Hà Nội đã đưa ra một số nhận định về các nội dung đề cập trong cuốn sách và chia sẻ một số kinh nghiệm về khởi nghiệp và tinh thần doanh nhân dưới góc nhìn quản trị của các doanh nghiệp Việt Nam.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Phan Tất Thứ, Chủ tịch tập đoàn KNV chia sẻ về những kinh nghiệm khởi nghiệp, tinh thần doanh nhân dưới góc nhìn thực tiễn, góc nhìn nhà quản trị của doanh nghiệp Việt Nam.
Chương trình Cao học Việt-Bỉ là chương trình hợp tác đào tạo thạc sỹ giữa Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (ĐHKTQD) và Trường Kinh tế và Quản lý Solvay Brussels - gọi tắt là SBSem) thuộc Đại học Tổng hợp Tự do Bruxelles (ULB), Vương quốc Bỉ trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp.
Dự án được thực hiện tại Trường ĐHKTQD từ năm 1996 với sự hỗ trợ tài chính của Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp hơn 10 năm. Từ năm 2009, Dự án chuyển sang hình thức hợp tác song phương giữa hai trường trên cơ sở lấy thu bù chi, không vì lợi nhuận.
Các chương trình đào tạo hiện nay của Cao học Việt-Bỉ bao gồm: Chương trình Thạc sỹ Quản lý Công; Chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh; Chương trình Thạc sỹ Quản trị Tài chính và Ngân hàng; Chương trình Thạc sỹ Marketing và Quảng cáo.