Công khai ngân sách của Việt Nam thuộc nhóm yếu
Chỉ số công khai ngân sách (OBI) của Việt Nam trong năm 2015 chỉ đạt 18/100 điểm, thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình khoảng 45 điểm ở hơn 100 quốc gia khác. Kết quả này vừa được Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) và Tổ chức Hợp tác Ngân sách quốc tế (IBP) công bố ngày 14/1. Khảo sát do hai tổ chức này thực hiện trong 18 tháng (tháng 3/2014 đến tháng 9/2015) tại 102 quốc gia trong đó có Việt Nam.
Giải trình muộn, nội dung sơ sài
Chỉ số OBI của Việt Nam có xu hướng tăng qua các kỳ đánh giá trong giai đoạn 2006-2012. Năm 2006, chỉ số này được chấm ở mức 3/100 điểm, thì tới năm 2012 đã đạt mức cao hơn là 19/100 điểm. Song đáng tiếc là năm 2015 chỉ số OBI không những không tăng mà còn giảm 1 điểm và gần như không thay đổi so với đánh giá năm 2012.
Xếp hạng chỉ số OBI của Việt Nam hiện nay thuộc vào nhóm thứ 5, là nhóm yếu nhất, gồm 17 nước được coi là ít hoặc không công khai thông tin ngân sách. Trong nhóm này, Việt Nam xếp trên Trung Quốc, Myanmar, Campuchia. Tuy nhiên thứ hạng của Việt Nam lại thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực như Indonesia (59 điểm), Malaysia (46 điểm), Thái Lan (42 điểm); và đặc biệt thấp hơn rất nhiều so với Philippines hiện ở nhóm thứ 2 với mức 62 điểm.
Khảo sát của IBP được tiến hành dựa trên 3 trụ cột của trách nhiệm giải trình. Trong đó, trụ cột thứ nhất về minh bạch ngân sách (cũng chính là chỉ số OBI) có điểm số 18 cho thấy công chúng ít được cung cấp thông tin về ngân sách. Lý giải về thứ hạng thấp của Việt Nam, ông Joel Friedman, nghiên cứu viên cao cấp của IBP cho biết, các khảo sát cho thấy công chúng ít có cơ hội được tham gia vào quá trình xây dựng ngân sách ở các cấp.
Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong công khai các loại tài liệu, đặc biệt là Dự toán ngân sách Nhà nước sau khi được Quốc hội thông qua, các báo cáo giữa kỳ, báo cáo cuối năm. Tuy nhiên dự thảo dự toán ngân sách trước khi trình Quốc hội chưa được công khai. Hơn nữa, bản báo cáo giữa kỳ (6 tháng) cũng chưa được coi là công khai vì nội dung báo cáo chưa đúng thông lệ quốc tế.
Bà Ngô Minh Hương, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) giải thích rõ hơn, báo cáo giữa kỳ cung cấp thông tin ngân sách thực hiện trong 6 tháng đầu năm, song lại được Việt Nam công bố tương đối muộn vào tháng 9 hàng năm. Ngoài ra, báo cáo cũng chưa có các yếu tố đánh giá về kinh tế vĩ mô, dự báo và so sánh kỳ thực hiện với ngân sách được phê duyệt hàng năm chứ không phải so với kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, nếu như dự thảo dự toán ngân sách mới đây đã được Việt Nam đưa vào luật thì việc công bố báo cáo kiểm toán vẫn chưa được cải thiện. Những báo cáo kiểm toán được cơ quan khảo sát chấm ở mức chậm và muộn hơn nhiều so với quốc tế.
Cần gia tăng sự tham gia của người dân trong quy trình ngân sách |
Nhưng sẽ được cải thiện
Trong khi đó, trụ cột thứ hai về sự tham gia của công chúng được chấm 42 điểm, cho thấy công chúng được tham gia hạn chế vào quy trình ngân sách. Ông Joel Friedman đánh giá, ở Việt Nam sự tham gia của công chúng trong quy trình liên quan đến các cơ quan Chính phủ (hành pháp) là ở mức độ hạn chế. Sự tham gia của công chúng với các cơ quan lập pháp và kiểm toán tối cao thậm chí còn ở mức độ yếu. Tuy nhiên ở trụ cột này, mức điểm 42 của Việt Nam vẫn ở tốt hơn so với xếp hạng chung của thế giới là 25 điểm.
Trụ cột thứ ba về giám sát ngân sách được chấm 61 điểm cho cơ quan lập pháp và 75 điểm cho kiểm toán, cho thấy giám sát ngân sách của các cơ quan này tại Việt Nam là đầy đủ. Trong đó, việc giám sát ngân sách của cơ quan lập pháp được báo cáo đánh giá "đầy đủ" trong lập kế hoạch và "hạn chế" trong khâu thực thi. Theo giải thích, mặc dù cơ quan lập pháp có Uỷ ban Tài chính và ngân sách với chức năng phân tích ngân sách nhưng bộ phận nghiên cứu chuyên biệt thì hiện Việt Nam vẫn chưa có.
Bà Ngô Minh Hương cũng bổ sung, yếu nhất là giám sát của cơ quan kiểm toán. Bởi sự tham gia của công chúng với cơ quan kiểm toán còn hạn chế. “Nếu một người dân phát hiện hành vi sai phạm và muốn đề nghị điều chỉnh vào kết quả của kiểm toán thì có được không? Có cơ chế nào để ghi nhận đề xuất của người dân vào kế hoạch kiểm toán hay không?”, bà đặt vấn đề.
Chưa đưa ra bình luận về những mức điểm trên, ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách, Văn phòng Quốc hội thừa nhận, việc công khai, minh bạch ngân sách chưa được đề cập nhiều trong luật khoảng 10-20 năm trước. Tuy nhiên với Luật Ngân sách Nhà nước 2015 vừa được thông qua và có hiệu lực từ năm 2017, thì vấn đề này chắc chắn sẽ được cải thiện.
Theo đó, trong luật mới sẽ có 4 điều liên quan đến minh bạch ngân sách gồm quy định trọn vẹn yêu cầu công khai ngân sách, giám sát cộng đồng, nguyên tắc công khai ngân sách và kế hoạch tài chính 5 năm.
“Như vậy về mặt thể chế pháp luật thì công khai minh bạch ngân sách đã và đang được Việt Nam chú trọng”, ông Tân nhấn mạnh.