Ngân sách và chuyện chọn món tôm hùm
Quỹ chung cần gì tiết kiệm
Câu chuyện các địa phương đang tiêu ngân sách theo kiểu “gọi món tôm hùm” lại mới được TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đề cập một lần nữa trong tuần này. Bối cảnh là, căng thẳng ngân sách và nỗi lo nợ công một lần nữa chưa thể khép lại sau các bàn thảo và chất vấn khá gay gắt về vấn đề này tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII vừa bế mạc cuối tuần trước.
“Đi ăn bằng quỹ chung thì không ai tội gì không gọi món đắt tiền”, ông Du nói để so sánh tâm lý có nhiều điểm tương đồng giữa chuyện gọi món tôm hùm của đa số thành viên một nhóm vào nhà hàng bằng tiền quỹ, với chuyện các địa phương đang thi nhau đề xuất những dự án “hoành tráng” đầu tư từ nguồn ngân sách. Điển hình gần đây là phong trào các tỉnh đua nhau đưa ra kế hoạch xây dựng các trung tâm hành chính tập trung, tượng đài… nghìn tỷ đồng.
Nhà nước cần tập trung thực hiện vai trò kiến tạo sự phát triển, nhượng lại cho thị trường và xã hội vai trò đầu tư, thương mại |
Thậm chí, ông khẳng định, với cơ chế này nơi nào cũng muốn có được những công trình quy mô được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, mà không quan tâm đến hiệu quả và sự hữu dụng của chúng. Và thực trạng đó được gọi tên là “vốn đực”, hay những khoản vốn đầu tư bỏ ra mà không sinh lời, không mang lại giá trị kinh tế - xã hội nào.
“Tôi đi nhiều tỉnh nghiên cứu, tôi thấy phần lớn các cơ quan trong tỉnh cách nhau chỉ 3 - 4km, hiếm tỉnh mà cơ quan cách nhau 6 - 7km, mất chừng 10 phút là nhiều lắm. Có nghĩa, lý do đưa ra cho việc tập trung các cơ quan vào một mối để tiết kiệm chi phí đi lại, giao dịch là không thuyết phục”, ông Du nói.
Đương nhiên trong tính toán của các địa phương, cái “không thuyết phục” ông Du nói tới không hẳn là chẳng mang lại lợi ích gì. Bởi vốn dĩ, giá trị đầu tư có đóng góp vào GDP, nên cái “lợi chung” đối với các địa phương là thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế - chỉ tiêu điều hành quan trọng nhất vẫn được cho là thuộc trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan điều hành sở tại.
Nhưng, quan trọng hơn cả là những bên liên quan trực tiếp đến dự án sẽ được nhiều thứ khác, nhất là đối với những dự án không cần hay không thể đánh giá hiệu quả kinh tế mà chỉ cần dựa trên các lập luận đơn giản về hiệu quả xã hội mang lại.
Còn về phía mất, những dự án tốn kém này chẳng giải quyết được vấn đề cấp bách nào nêu trên và giá trị gia tăng được tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam không đáng là bao. Thế nên tình trạng đầu tư kém hiệu quả, hệ số ICOR cao… là điều khó tránh khỏi.
Cần thay đổi vai trò Nhà nước
“Sau tượng đài, trung tâm hành chính, không biết người ta còn nghĩ ra gì mới nữa không?”, chuyên gia Vũ Đình Ánh thì thốt lên như vậy trước thực tế có quá nhiều đề xuất đầu tư dự án nghìn tỷ đồng từ các địa phương trong thời gian gần đây.
Dựng lại bức tranh đầu tư công trong thập kỷ qua, ông Ánh cho rằng: Nguyên nhân trực tiếp khiến cho tái cơ cấu đầu tư công thu được kết quả hạn chế, chưa tạo được thay đổi căn bản là do không gắn với thay đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế.
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có thông điệp đề cập đến sự thay đổi làm nền tảng cho tái cơ cấu đầu tư công nói riêng, tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nói chung, đó là chuyển từ Nhà nước điều hành sang Nhà nước kiến tạo phát triển. Tuy nhiên, đổi mới hầu như vẫn dậm chân tại chỗ và ước mong Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển vẫn chỉ là mong ước. “Rất tiếc là những nội dung đổi mới đó cũng không được triển khai trong thực tế”, ông Ánh nói.
Nguyên nhân được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra: Dư luận xã hội cho rằng tái cơ cấu đầu tư công và thay đổi vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế diễn ra chậm, nguyên nhân rất cốt lõi là từ tư duy và lợi ích của chính những người trong cuộc.
Bà Phạm Chi Lan cũng đồng tình rằng, với trọng trách dẫn dắt sự phát triển của đất nước, Nhà nước cần thay đổi vai trò của mình, tập trung thực hiện vai trò kiến tạo sự phát triển, nhượng lại cho thị trường và xã hội vai trò đầu tư, thương mại; sẵn sàng để xã hội chung tay thực hiện một phần các dự án phục vụ mục đích công cộng. Như thế mới tái cơ cấu được đầu tư công.
Về giải pháp, để cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và nợ công, theo ông Ánh cần được tiếp cận dựa trên 7 quan điểm chiến lược. Trong đó, phải giảm quy mô đầu tư công về mức tỷ lệ 10% GDP cho phù hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế, thâm hụt ngân sách và nợ công hiện nay; Ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng công (giao thông, điện, nước) và dịch vụ công (giáo dục, y tế, khoa học công nghệ), hạn chế đến mức thấp nhất đầu tư công vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trực tiếp…
“Thay đổi vai trò của Nhà nước cho phù hợp với nền kinh tế thị trường là tiền đề để tái cơ cấu đầu tư công và ngược lại”, ông Ánh khẳng định.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) “chốt” thêm giải pháp đối với tái cơ cấu đầu tư công, đó là: “Không đi kèm với trách nhiệm giải trình thì sẽ không mang lại hiệu quả. Nhiệm kỳ vừa rồi nói bội chi ngân sách 5% GDP nhưng kết thúc nhiệm kỳ không đạt mục tiêu đề ra”.