Công nghệ thông suốt phục vụ người dân và doanh nghiệp
Ngày 9/10, tại Hội nghị công bố kiến trúc chính quyền điện tử, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đây là kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của thành phố để phục vụ người dân vả DN. Và mục tiêu chiến lược để TP.HCM phát triển thành đô thị thông minh.
Ông Tuyến cho rằng, kiến trúc chính quyền điện tử xây dựng thì các vấn đề của Thành phố như chống ngập, ô nhiễm môi trường kẹt xe... sẽ được xử lý thông qua trung tâm điều hành thông minh, trung tâm mô phỏng mà thành phố xây dựng.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ phát triển dịch vụ trực tuyến không chỉ ở những nơi có hạ tầng tốt mà ở những vùng sâu, vùng xa của thành phố.
Trên thục tế, nếu TP.HCM không ứng dụng công nghệ thì không giải quyết được một năm 14 triệu hồ sơ, có nơi một ngày hàng ngàn hồ sơ cần giải quyết.
Hiện TP.HCM đã giải quyết hơn 99,4% hồ sơ xử lý còn 0,6% chưa giải quyết được, tương ứng với con số vài trăm ngàn hồ sơ chưa giải quyết được. Vừa qua, UBND TP kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu thì nơi nào người đứng đầu quan tâm phát triển công nghệ thì có hiệu quả rất cao.
Do vậy, theo ông Tuyến, cần phải tuyên truyền tốt để người dân tin tưởng chứ không như ấn đề cấp phép xây dựng của Sở Xây dựng.
Mặc dù Sở Xây dựng áp dụng chính sách một cửa, DN nộp hồ sơ thì các đơn vị liên thông trao đổi dịch vụ với nhau để giải quyết hồ sơ DN không phải đến các nơi liên hệ. Tuy nhiên, các DN vẫn chưa tin tưởng Sở Xây dựng nên vẫn còn chạy lòng vòng. “Vấn đề một cửa liên thông sẽ hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người dân, DN và cán bộ xử lý vụ việc... Đây là vấn đề đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu để giảm phiền hà cho người dân, cho DN”, ông Tuyến khẳng định.
Nhìn rộng hơn, kiến trúc Chính quyền điện tử của TP.HCM tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; đồng thời bám sát theo Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM được xây dựng dựa trên các công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0 như Internet vạn vật (IoT), cơ sở dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), công nghệ trợ lý ảo, robot thông minh,..,.
Đến nay, Thành phố đã liên thông hơn 3 triệu văn bản điện tử giữa 750 cơ quan; cấp 21.600 thư điện tử cho các đơn vị và cán bộ, công chức; áp dụng hơn 40 phần mềm quản lý, cung cấp thông tin trực tuyến cho người dân về quản lý đô thị, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký sử dụng lao động, quản lý hồ sơ chứng thực, đất đai, quản lý khiếu nại - tố cáo…
Bắt đầu từ năm 2018, mục tiêu là chuyển qua chính quyền điện tử di động và triển khai dịch vụ công mức độ 4 trên kênh điện thoại thông minh, với độ tương tác cao hơn. TPHCM tiến đến xây dựng chính quyền điện tử thông minh trong các năm 2020 đến 2025, trên cơ sở công nghệ dữ liệu lớn, dữ liệu mở, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và tận dụng kênh mạng xã hội để cung cấp các dịch vụ công thông minh cho người dân và doanh nghiệp.
Sau mốc năm 2025 là giai đoạn chính quyền điện tử cá nhân hóa, khi các dịch vụ công được thực hiện tự động bởi các tương tác giữa máy và máy.