Công nghệ thông tin: Điểm tựa đột phá trong cải cách hành chính
Cải cách thủ tục và bảo mật tạo hấp dẫn lớn nhất | |
Tiên phong trong cải cách thủ tục hành chính |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhìn nhận với việc mô hình thanh toán giao dịch TPCP qua NHNN thay vì BIDV trước đây là phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu của tiến trình hội nhập, đảm bảo an toàn hệ thống thanh toán giao dịch chứng khoán và an toàn hệ thống tài chính, nâng cao khả năng giám sát của NHNN đối với hệ thống thanh toán tiền tệ quốc gia, đảm bảo hiệu quả thực thi chính sách tiền tệ và hiệu quả điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ.
Việc hoàn thành và triển khai phần mềm Hệ thống văn bản điện tử đã góp phần thúc đẩy cải cách nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc |
Đó chỉ là một trong những đột phá của NHNN từ việc tập trung ứng dụng CNTT để đổi mới phương thức cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp, xây dựng môi trường làm việc điện tử trong nội bộ các đơn vị thuộc NHNN và giữa NHNN với các cơ quan hành chính nhà nước, thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử.
Nhìn lại từ sau khi Nghị quyết 36a/NQ-CP ra đời, những cải cách hành chính của NHNN thêm rõ nét với sự cộng hưởng của công nghệ thông tin. Điển hình là việc từ ngày 01/7/2016, NHNN đã triển khai trong toàn hệ thống tới toàn bộ công chức phần mềm Hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp (Edoc), với 100% các đơn vị sử dụng để luân chuyển văn bản, giao việc đến cấp chuyên viên với khoảng 5.000 người thường xuyên sử dụng.
Đáng nói là hệ thống cho phép thống kê và theo dõi các công việc đang phải xử lý và thời gian xử lý (trợ tin nhắn đến điện thoại khi gần đến hạn) cho phép gửi email thông báo kèm văn bản điện tử với các cơ quan Chính phủ. Đây cũng là công cụ kết nối cổng thông tin điện tử Chính phủ để công bố trực tuyến số liệu văn bản, dịch vụ công của NHNN. Tính đến đầu tháng 5/2017, tổng số văn bản trao đổi trên phần mềm đã được công bố, công khai trên trang Cổng thông tin điện tử của Chính phủ là hơn 250 ngàn văn bản.
Việc hoàn thành và triển khai phần mềm Hệ thống văn bản điện tử đã góp phần thúc đẩy cải cách nội bộ trong hệ thống NHNN, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, cung cấp công cụ hữu hiệu để kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công việc của công chức, đơn vị và cắt giảm chi phí hành chính thông qua việc giảm giấy tờ, chi phí in ấn. Cũng như, gián tiếp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho TCTD, người dân và DN.
Một điểm nhấn khác trong việc đưa CNTT vào hiện đại hóa hành chính là việc đưa vào vận hành hệ thống thư điện tử và quản trị định danh. Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống thư điện tử của NHNN đã cấp hơn 6000 hộp thư cho các tập thể và cá nhân thuộc NHNN.
Hiện nay, ngoài trao đổi công việc, hệ thống thư điện tử của NHNN như một kênh trao đổi trong gửi nhận văn bản điện tử giữa các đơn vị NHNN với các tổ chức bên ngoài như TCTD, tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và các cơ quan nhà nước khác, giúp trao đổi giải quyết công việc nhanh và tiện lợi.
Đặc biệt với 14 năm triển khai vận hành hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã đem lại nhiều kết quả tích cực cho ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đến nay, hệ thống đã có 97 thành viên và 359 đơn vị thành viên trực tiếp, 2011 thành viên gián tiếp.
Để đáp ứng nhu cầu dịch vụ cả các TCTD cũng như nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống thường xuyên được nâng cấp, mở rộng các dịch vụ tiện ích như tính năng xác thực chữ ký điện tử giữa hệ thống core banking và phần mềm Citad tại TCTD giúp tự động hóa trao đổi dữ liệu giữa hai hệ thống. Đồng thời, bổ sung chuẩn dữ liệu mới cho phép gửi đầy đủ thông tin thu NSNN kèm theo lệnh thanh toán phục vụ thu NSNN điện tử.
Hệ thống báo cáo tập trung được triển khai chính thức từ 1/1/2017 đang hàng ngày, hàng giờ cung cấp thông tin phục vụ xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ cũng như đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các TCTD vì thế cũng được giảm thiểu gánh nặng báo cáo thông qua việc thu thập thông tin điện tử từ một đầu mối duy nhất của NHNN. Những nỗ lực đổi mới CNTT đặc biệt là ứng dụng vào CCHC đã được người dân ghi nhận trong báo cáo Par Index với số điểm cao nhất trong các bộ ngành trung ương.
Dịch vụ công trực tuyến của NHNN trong năm qua cũng ghi nhận những cải cách tích cực nhất trong các bộ ngành trung ương. Với đối tượng tham gia dịch vụ công của NHNN là các TCTD, Kho bạc Nhà nước, các tổ chức khác hoạt động trong ngành Ngân hàng, hiện nay 100% TTHC của NHNN đã được đăng trên cổng thông tin điện tử NHNN, phục vụ nhu cầu tìm hiểu tra cứu thông tin của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành.
NHNN đã cung cấp 15 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 thuộc nhóm 3 dịch vụ. Hiện, NHNN đang tiếp tục cải tiến các quy trình thủ tục hành chính và ứng dụng CNTT để nâng cấp các thủ tục hành chính công lên mức độ 3,4 nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có thể thực hiện TTHC linh hoạt bằng nhiều hình thức, chi phí thấp.
Hệ thống quản lý dữ liệu thông tin tín dụng được chính thức vận hành từ tháng 3/2016. Sau hơn một năm vận hành, số lượng khách hàng khai thác sử dụng dịch vụ của CIC đã tăng lên đáng kể. Hệ thống đã đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin tín dụng cho khách hàng pháp nhân và thể nhân theo quy định, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong năm 2016 và 2017, NHNN đã ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị duy trì, cải tiến tiếp tục duy trì và phát huy việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các đơn vị.
Tính đến nay, các đơn vị có chức năng giải quyết TTHC thuộc NHNN đã hoàn thành và phát huy hiệu quả HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO, là công cụ, phương tiện quản lý, tác nghiệp. HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO đã được mở rộng tới các nghiệp vụ nội bộ của các đơn vị và bắt đầu triển khai tại các đơn vị không có chức năng giải quyết TTHC, trong đó Văn phòng NHNN là đơn vị đầu tiên đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống tài liệu và bước đầu triển khai áp dụng.
Từ việc kết quả thí điểm tại Văn phòng NHNN và kiểm tra tại các đơn vị, NHNN đã xây dựng các văn bản, tài liệu hướng dẫn toàn bộ các đơn vị, kể cả các đơn vị không có chức năng giải quyết thủ tục hành chính thuộc NHNN tổ chức triển khai xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến HTQLC theo tiêu chuẩn ISO.
Kết quả kiểm tra phối hợp với chuyên gia thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiểm tra tại các đơn vị vụ, cục có chức năng giải quyết TTHC, cho thấy, lãnh đạo, công chức các đơn vị đã nhận thức và phát huy có hiệu quả việc áp dụng, duy trì, cải tiến HTQLCL theo tiêu chuẩn ISO trong hoạt động của các đơn vị.
Thông qua việc áp dụng ISO, tại các đơn vị đã chuẩn hóa và thực hiện thống nhất đối với các quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho TCTD, các quy trình thực hiện trong nội bộ (gửi nhận văn bản, tổ chức cuộc họp…) góp phần nâng cao hiệu quả công việc, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình cải cách nội bộ, chất lượng giải quyết TTHC.
Tiếp nối những nền tảng hiện đại hóa trong hoạt động hành chính, NHNN đã và sẽ tiếp tục nâng cao mạnh mẽ, hiệu quả công nghệ thông tin, truyền thông trong hoạt động quản lý, tác nghiệp; Phấn đấu đến năm 2020, hình thành phương thức làm việc văn phòng điện tử, trên nền tảng ứng dụng CNTT. Phấn đấu đến năm 2020 thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết TTHC hoàn toàn trên môi trường mạng theo hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4.
Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục duy trì, cải tiến HTQLCL theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2008 áp dụng đối với các đơn vị thuộc NHNN có chức năng giải quyết TTHC. Từ nay đến năm 2020, mở rộng việc áp dụng ISO đối với toàn bộ các nghiệp vụ nội bộ trọng yếu, đồng thời hoàn thiện áp dụng HTQLCL theo phương thức điện tử.