Công nghiệp hỗ trợ chưa thoát ly FDI
Nhiều chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ | |
Lại câu chuyện công nghiệp hỗ trợ | |
Công nghiệp hỗ trợ: Cần thay đổi tư duy |
Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang có sự cải thiện, song thành tích đó lại không thuộc về khối DN trong nước. Vấn đề này đã được TS. Trương Thị Chí Bình, Giám đốc Trung tâm SIDEC, Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ ra tại Tọa đàm DN FDI Hàn Quốc hướng tới xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng cao, do Bộ Công Thương và Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 10/5.
Thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là yêu cầu cấp bách |
Theo bà Bình, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong những năm qua tập trung vào 3 lĩnh vực chính là linh kiện phụ tùng; nguyên phụ liệu ngành dệt may và da giày; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Trong đó, ngành công nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng đang phát triển tốt nhất. Sau đó tới cung ứng nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày. Riêng ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao thì còn khá yếu kém. Tuy nhiên, bà Bình khẳng định rằng có được sự phát triển của ngành sản xuất linh kiện phụ tùng cũng là nhờ đóng góp của các DN FDI.
Có thể thấy sự “xốc vác” đó thể hiện ở việc dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào lĩnh vực này tại Việt Nam liên tục tăng trong mấy năm trở lại đây, đi theo xu hướng hội nhập ngày càng mở rộng. Năm 2005, cả nước có 113 DN sản xuất linh kiện nhựa và cao su, 125 DN sản xuất linh kiện điện - điện tử, 304 DN sản xuất linh kiện kim loại. Tuy nhiên đến nay con số này đã tăng tới 3-4 lần, tùy theo từng ngành.
Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng chỉ rõ, năm 2015, trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến thì đóng góp của khối FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện chiếm 99,7%; hàng dệt may 60,3%; giày dép 79,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 98,1%...
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu tỏ ra lo ngại, mặc dù gia tăng đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, song kim ngạch xuất khẩu của khối FDI tăng cao vẫn gắn liền với việc tăng kim ngạch nhập khẩu của khối này.
Nếu như năm 2010, nhập khẩu của khối FDI chiếm 43,7% thì năm 2011 con số này là 45,7%; và đến năm 2015 đã tăng lên 58,71% so với kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Xét về mặt hàng, năm 2015 điện thoại là mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch cao nhất (khoảng hơn 30 tỷ USD), nhưng đến gần 90% nguyên vật liệu, linh kiện phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Các mặt hàng máy vi tính, hàng điện tử tiêu dùng, hàng dệt may, sản phẩm giày dép, ô tô, xe hai bánh gắn máy… nguyên vật liệu cho sản xuất phần lớn vẫn nhập khẩu. Do vậy, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam vẫn là con số rất khiêm tốn.
Thực trạng này cho thấy, phát triển công nghiệp hỗ trợ chỉ dựa vào DN FDI là rất kém bền vững. Tuy nhiên, các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay dường như vẫn chưa “thoát ly” được khỏi FDI. Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, FDI vẫn sẽ là nguồn đầu tư quan trọng để hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.
Cùng với đối tác lớn như Hàn Quốc, các DN tới từ quốc gia này sẽ đem đến những NĐT mới trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, để sản phẩm của chính DN FDI Hàn Quốc tại Việt Nam mang lại giá trị hiệu quả và thiết thực hơn nữa.
Vì lý do đó, ông Khánh hy vọng các DN FDI Hàn Quốc sẽ tập trung đầu tư sản xuất những mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao tại Việt Nam, nhất là hình thành được chuỗi cung ứng, trong đó có sự tham gia của nhiều DN Việt Nam. Qua đó thực hiện chuyển giao công nghệ và tăng tỷ lệ nội địa hoá trong sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Ông Trần Thanh Hải cũng đồng tình và cho rằng, trong nền sản xuất hiện đại, việc hình thành các nhà cung ứng là rất quan trọng, đặc biệt với các sản phẩm công nghiệp có nhiều chi tiết. Lý giải nguyên nhân nhấn mạnh xây dựng chuỗi cung ứng cũng như sản phẩm giá trị gia tăng cao với Hàn Quốc, ông Hải cho rằng, vì đây là nước đầu tư mạnh vào Việt Nam và có tiềm năng về khoa học công nghệ.
Tuy nhiên hiện nay, điều mà Bộ Công Thương trăn trở là DN Hàn Quốc tuy đóng góp nhiều vào xuất khẩu tại Việt Nam, song Việt Nam thực chất chỉ hoàn thành công đoạn sản xuất cuối cùng, xuất khẩu “giúp” cho Đài Loan, Trung Quốc… những đối tác mà Hàn Quốc đã nhập khẩu linh kiện vào Việt Nam để sản xuất ra thành phẩm cuối cùng. Và đó thực sự là điều khiến các cơ quan quản lý Nhà nước đau đầu khi đi tìm giải pháp nâng cao nội lực trong ngành công nghiệp hỗ trợ.