Lại câu chuyện công nghiệp hỗ trợ
Tuy nhiên, một trong những vấn đề bức xúc nhất được DN nêu ra đó là công nghiệp hỗ trợ (CNHT) chưa hỗ trợ được cho DN trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Theo lời một quan chức Công ty cổ phần May Sài Gòn, nhờ Gamex Sài Gòn niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, có điều kiện tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước mới thấy rằng ngành may mặc đang chịu thiệt thòi “ghê gớm”.
Những con số mà DN này “sưu tầm” được để chứng minh cho quan điểm của mình. Đó là, trong số 25 tỷ USD xuất khẩu của dệt may đạt được trong năm 2014 thì 80% là đến từ DN may mặc.
Trong 80% này thì DN Việt Nam chỉ chiếm 40% (còn lại thuộc về DN FDI), nhưng điều đáng buồn là, trong số 40% ấy có đến 85% trong số này làm gia công, tức làm thuê trên chính đất nước mình, 12% là mua bán – tức DN sản xuất theo mô hình FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) có thêm lợi nhuận chút đỉnh; chỉ có 3% số DN có thể lấy được giá trị theo chuỗi cung ứng của ngành may, tức là từ sản xuất, phân phối và tiêu thụ.
Như vậy, xét về doanh thu của ngành may nghe có vẻ rất “hoành tráng”, nhưng thực tế kim ngạch mang về cho đất nước, kể cả mang về thuế thu nhập để làm nghĩa vụ với Nhà nước thì mới chỉ có 85% DN huề vốn, số còn lại lời không đáng kể.
Trong khi các DN FDI, họ chủ yếu đầu tư khép kín. Tức đầu tư từ sợi cho đến thành phẩm. Nhiều ý kiến đã cảnh báo, nếu chúng ta không phát triển được CNHT thì sắp tới sẽ có nhiều DN may mặc Việt Nam đóng cửa, vì không cạnh tranh được về giá so với các DN FDI sản xuất khép kín, giá rẻ hơn.
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, câu chuyện trên của Công ty May Sài Gòn cũng dễ hiểu. Hiện có tình trạng một số địa phương không muốn thu hút đầu tư dệt may, da giày. Trong khi đây vẫn đang là những ngành thế mạnh của Việt Nam.
Theo ông Lộc, trong quá trình tham gia đàm phán một số Hiệp định thương mại, Thủ tướng luôn lưu ý các nước phải dành ưu đãi đối với ngành dệt may, da giày của Việt Nam, nếu không thì chúng ta không ký kết.
Bởi vì, hiện tại và trong tương lai sắp tới, những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày vẫn rất cần thiết cho Việt Nam, để giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người lao động. Khi hội nhập, các ngành dệt may và giày dép chỉ thực sự có lợi thế khi đảm bảo được nguyên tắc về xuất xứ.
“Trước đây chúng ta chủ yếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, nay đòi hỏi nguyên liệu ở nội khối, bắt đầu từ khâu dệt, nhuộm… thì trong trường hợp này, DN cần sớm thay đổi lại đối tượng cung cấp từ TPP chẳng hạn. Còn nếu vẫn cứ nhập từ Trung Quốc thì không thể nào hưởng được lợi thế hội nhập”, ông Lộc nhấn mạnh.