Công ty tài chính góp phần ngăn “tín dụng đen”
TS. Lê Xuân Nghĩa |
Ông đánh giá thế nào về vai trò của tín dụng tiêu dùng đối với nền kinh tế - xã hội Việt Nam?
Có thể nói, hoạt động tín dụng của các công ty tài chính tiêu dùng cũng quan trọng không kém gì so với ngân hàng, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu vùng xa, với các đối tượng có nhu cầu vay món nhỏ lẻ cho mục đích tiêu dùng nhanh... Lâu nay, với một số nhu cầu vay, ở một số khu vực mà hệ thống ngân hàng chưa vươn tới được, nhiều người dân vì nhu cầu nên bất chấp vay vốn ngoài hệ thống ngân hàng và sa vào bẫy “tín dụng đen”.
Chính vì vậy, việc các công ty tài chính tham gia vào thị trường cho vay tiêu dùng sẽ góp phần quan trọng trong ngăn chặn nạn “tín dụng đen” hoành hành, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa. Nếu chúng ta tạo điều kiện cho các công ty tài chính được mở rộng mạng lưới ở các địa phương thì góp phần hạn chế hoạt động “tín dụng đen” của các công ty này còn nhiều hơn nữa.
Hiện các công ty tài chính đang đẩy mạnh lĩnh vực cho vay tiêu dùng với đa dạng sản phẩm khác nhau. Ông nhận định ra sao về động thái này?
Đây là tín hiệu đáng mừng cho tiêu dùng dân cư nói riêng và nền kinh tế nói chung. Theo tôi, tiềm năng của thị trường vẫn còn rất lớn, các công ty tài chính vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của thị trường và phát huy hết lợi thế của mô hình này.
Các lợi thế đó là: Thứ nhất, thủ tục xét duyệt và cho vay của các công ty tài chính đơn giản; Thứ hai, thời gian xét duyệt khoản vay của các công ty tài chính cũng nhanh chóng, chỉ cần tính bằng phút, lại không cần đến tài sản thế chấp, giấy tờ “đặt cược” mà chỉ cần chứng minh nhân dân hay bằng lái xe, hộ khẩu…
Cũng do đặc thù của các công ty này, họ không phải huy động tiền gửi của dân để cho vay mà chủ yếu huy động từ các nguồn khác. Cho nên, thông thường công ty tài chính cũng phải đáp ứng nhiều quy định về an toàn như các NHTM, nhưng hoạt động cho vay vẫn đơn giản, linh hoạt hơn…
Với các lợi ích và vai trò quan trọng như ông nêu, cần có giải pháp gì để các công ty tài chính phát triển?
Hiện nay, việc tổ chức và hoạt động của các công ty tài chính đã được quy định khá cụ thể trong Luật Các TCTD năm 2010 và Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 7/5/2014 của Chính phủ.
Tuy nhiên, hiện tại và trong tương lai, chắc chắn tín dụng tiêu dùng sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn lúc này. Khi công ty tài chính được thành lập mới tăng lên, buộc họ phải cạnh tranh với nhau để đưa ra các sản phẩm tín dụng lãi suất thấp hơn thông qua việc kết hợp tiêu thụ các sản phẩm thương mại trong liên kết kinh doanh của mình với các nhà sản xuất. Từ đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận được khoản vay rẻ hơn khi có nhu cầu vay tiêu dùng… Do vậy, tôi luôn ủng hộ phát triển nhiều hơn nữa các công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng.
Thiết nghĩ, trong thời gian tới, chúng ta cần xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, theo hướng khuyến khích phát triển mảng hoạt động cho vay tiêu dùng với các món vay nhỏ, phục vụ cho đời sống xã hội…
Xin cảm ơn ông!