Cuộc đua khó có hồi kết
Ảnh minh họa |
Điều này có phần khác lạ so với những năm trước, bởi thông thường phải đến những tháng cận Tết Nguyên đán, các DN mới ồ ạt tuyển dụng lao động, nhằm dự phòng ra Tết một lượng không nhỏ công nhân sẽ “nhảy việc”, với nhiều lý do khác nhau.
Tại KCN Bình Đường (Dĩ An, Bình Dương), Công ty TNHH DAE KWANG APPAREL dán bảng thông báo tuyển dụng 500 thợ may, 300 thợ phụ, 200 thợ ủi… với mức thu nhập từ 5,8- 6,6 triệu đồng/tháng (cả tăng ca). Để hấp dẫn người lao động, DN này đưa ra “quy chế” trên bảng thông báo “Thưởng sản lượng theo từng ngày”. Ngay kế bên, Công ty HISON VINA cũng căng bảng thông báo tuyển dụng 200 công nhân lao động phổ thông với thu nhập từ 5 – 7 triệu đồng/tháng.
Cách KCN này khoảng 1,5 km, các DN ở KCN Sóng Thần cũng đua nhau dán thông báo tuyển dụng lao động. Thậm chí, có trường hợp DN phải đem cả bàn ghế ra tận ngoài cổng để mời chào, tuyển dụng công nhân. Đó là trường hợp của Công ty TNHH Hansoll Vina – chuyên ngành may mặc (Đường số 1, KCN Sóng Thần 1, Bình Dương).
Có lẽ, do nhu cầu tuyển dụng quá lớn, lên tới 2.000 công nhân (cắt, may, kiểm hàng, lao động phổ thông), đã khiến DN này phải tràn ra đường để tuyển dụng lao động. Quan sát của phóng viên, ngay từ 9h sáng đã có một lượng lớn người lao động tìm đến đây để nộp hồ sơ.
Không chỉ các KCN ở Bình Dương ồ ạt tuyển lao động, các DN ở khu chế xuất Linh Trung 1 (Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) cũng đang đẩy mạnh tuyển lao động, như Công ty Freetrend, Công ty Hugo Knit…
Vì sao lại có tình trạng trên? “Do nhu cầu mở rộng sản xuất, hiện nay chúng tôi cần tuyển thợ may 20 người, lao động phổ thông 30 người”, nội dung tấm bảng tuyển dụng mới toanh, treo ngoài cổng Công ty TNHH ECRUVINA (chuyên sản xuất túi xách, ví da các loại) đã phần nào giải đáp “hiện tượng” DN ồ ạt tuyển lao động.
Đáng chú ý, Công ty TNHH ECRUVINA đặt ra điều kiện tuyển dụng lao động: “Chỉ nhận lao động chịu tăng ca từ thứ 3 đến thứ 6 hàng tuần”. Điều kiện này của DN cho thấy, bên cạnh nhu cầu mở rộng, DN đang chịu áp lực về đơn hàng, phải hoạt động hết công suất do đó mới đặt ra điều kiện người lao động phải chấp nhận tăng ca gần kín tuần làm việc.
Trên thực tế, không chỉ DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng cường tuyển dụng lao động, mà ngay cả các DN có vốn đầu tư trong nước cũng tham gia vào cuộc đua này. Công ty TNHH Liên Phát (Bình Dương), chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu mới đây dán bảng thông báo tuyển dụng che kín cả cổng chính ra vào của công ty.
Đưa ra đề nghị “Công ty hỗ trợ cán bộ công nhân có hoàn cảnh khó khăn”, kèm với mức lương hấp dẫn từ 5,5 triệu đồng – 6,5 triệu đồng/tháng, lượng người lao động tìm đến Công ty Liên Phát nộp hồ sơ khá đông. Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc công ty giải thích việc tuyển thêm lao động, là do tình hình kinh doanh của DN xuất khẩu giày dép đang có sự khởi sắc.
Theo bà Liên, đến nay, không riêng Công ty Liên Phát mà hầu hết DN đã có đơn hàng cho đến tháng 2/2016. Hiện tại, DN trong ngành giày dép có khuynh hướng chuyển xuất khẩu sang thị trường Mỹ để tận dụng cơ hội từ Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Điều hấp dẫn các DN giày dép khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ là số lượng giày sản xuất của mỗi đơn hàng thường khá lớn, với trên 10.000 đôi giày/ đơn hàng. Mà để đáp ứng đơn hàng số lượng lớn, đòi hỏi DN sẽ phải tuyển dụng thêm một lượng lớn lao động.
Nhìn ở góc độ khác, theo số liệu của JobStreet.com (mạng quảng cáo việc làm số 1 Đông Nam Á hiện đang có mặt tại Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia, Hongkong và Việt Nam), thị trường việc làm tính đến quý III năm 2015 tăng trưởng tích cực và có nhiều tín hiệu tốt hơn cùng kỳ năm 2014.
Số lượng việc làm có xu hướng tăng trưởng đều đặn từ đầu năm đến nay, trái ngược với xu hướng giảm cầu tuyển dụng vào quý III và quý IV năm 2014. Cụ thể, số lượng việc làm trên thị trường vào quý III tăng đến 9,8% so với quý II năm nay.
Tổng số lượng việc làm từ đầu năm đến nay cũng tăng đột biến đến 36,57% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy thị trường tuyển dụng năm 2015 tăng trưởng khá sôi động.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc các DN tăng tuyển dụng lao động cũng được xem là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. Như khảo sát của JobStreet.com thì có đến 49% DN được khảo sát cho biết nhu cầu tuyển dụng chủ yếu đến từ kế hoạch mở rộng kinh doanh của công ty. Mà khi các DN mở rộng kinh doanh sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển.