Cuộc đua nội, ngoại vào bất động sản
Kịch bản nào cho thị trường bất động sản Việt Nam 2017? | |
Thị trường Bất động sản: Khó có biến động trong ngắn hạn | |
Thị trường bất động sản: Vào mùa sôi động |
Khá nhiều chuyên gia BĐS cho rằng thị trường trong năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do dòng vốn NH bị siết chặt lại. Tuy nhiên không vì thế mà các thương vụ M&A diễn ra kém phần sôi động, điển hình là việc tham gia tích cực của các NĐT Singapore, Nhật Bản ngay những ngày đầu năm Đinh Dậu.
Trong một diễn biến mới nhất tại TP.HCM, Tập đoàn CapitaLand thông báo đã thâu tóm một lô đất rộng 0,6 ha ngay tại trung tâm quận 1 để phát triển một dự án văn phòng hạng A. Giá trị thương vụ M&A này không được tiết lộ, nhưng nếu căn cứ theo vị trí và giá thị trường của khu vực nơi đây thì số tiền mà CapitaLand chi ra sẽ không dưới 90 triệu USD.
Tại quận 2, CapitaLand cũng thâu tóm một dự án căn hộ có diện tích 0,8 ha tại Thảo Điền. Hay tháng 9 năm ngoái, tập đoàn này đã chi ra 51,9 triệu USD để thâu tóm dự án cũ của Tập đoàn Cao su Việt Nam tại phường Cầu Kho (quận 1) và đổi tên thành D1 Mension.
Còn nhớ vào tháng 11 năm ngoái, CapitaLand tuyên bố thành lập quỹ đầu tư trị giá 500 triệu USD để đầu tư vào BĐS thương mại của Việt Nam, sau khi quỹ 200 triệu USD trước đó đã giải ngân hết.
Một tập đoàn khác của Singapore là Keppel Land trong thời gian gần đây cũng mạnh tay mở rộng quy mô kinh doanh tại Việt Nam sau khi chứng kiến kết quả kinh doanh khả quan trong năm qua. Các dự án của Keppel Land nằm chủ yếu ở Thủ Thiêm, quận 9 và Trung tâm TP.HCM với giá trị đầu tư lên đến hàng tỷ USD.
Báo cáo 2016 của Keppel Land cho thấy, số lượng căn hộ mà NĐT này bán được ở Việt Nam là 1.520 căn, cao hơn hẳn so với con số 380 căn ở Singapore và chỉ thấp hơn thị trường Trung Quốc với 3.800 căn. Nhờ thị trường Việt Nam mà lợi nhuận ròng của Keppel Land trong 2016 ghi nhận ở mức 586 triệu đôla Singapore, tăng nhẹ so với con số 564 triệu đôla Singapore của năm trước đó.
Bên cạnh các NĐT Singapore, dòng vốn đầu tư của người Nhật Bản vào thị trường địa ốc vẫn tiếp tục dồi dào. Mới đây, các NĐT thông qua quỹ Lemon Grass Master Fund tiếp tục rót 100 triệu USD vào Sơn Kim Land để phát triển các dự án cao cấp tại quận 2. Thị trường còn chứng kiến một tên tuổi mới từ Nhật tham gia là Tập đoàn xây dựng Maeda với dự án đầu tay tại Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 có giá trị khoảng 30 triệu USD, hay NĐT Toshin nhiều khả năng sẽ được UBND TP.HCM chấp thuận cho đầu tư trung tâm thương mại dưới lòng đất tại Bến Thành trong năm nay.
Có thể thấy, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS 2014 đã bắt đầu chứng tỏ được sự hấp dẫn trong việc thu hút các NĐT ngoại thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Với tiềm lực tài chính mạnh, chiến lược và kinh nghiệm dày dạn, các NĐT ngoại đang dần chứng tỏ họ là một thế lực đáng gờm mới nổi, mang đến một diện mạo cạnh tranh mới cho thị trường cũng như tạo áp lực cho các DN trong nước, nhất là trong cuộc đua thâu tóm các quỹ đất sạch, có vị trí tốt và hệ thống giao thông thuận lợi.
Điều lạc quan là hiện một số DN trong nước đã ý thức được thách thức mới kể trên. Họ cũng không ngần ngại triển khai các thương vụ M&A có quy mô lớn như một chuẩn bị kỹ càng để duy trì đà kinh doanh trong năm nay và các năm sau.
Ví dụ như ngay trong những ngày đầu năm, một số thông tin cho thấy có thể đã có ít nhất 2 thương vụ chuyển nhượng được các NĐT nội thực hiện tại quận 5 và huyện Bình Chánh. Các thương vụ này dự kiến sẽ sớm công bố trong thời gian tới.
Trước đó, Hưng Thịnh đã thực hiện nhanh chóng 2 thương vụ thâu tóm các dự án cũ của Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh với giá trị tổng cộng 460 tỷ đồng. Trong khi NĐT Novaland thâu tóm mảnh đất vàng tại địa chỉ 2-4-6 đường Đồng Khởi từ tay của Geleximco.
Theo nghiên cứu của hãng tư vấn JLL Việt Nam, trong 2016 luồng vốn đầu tư vào thị trường địa ốc Việt đã tăng 12% so với năm trước đó. Trong năm nay, con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan, trong đó có một phần đóng góp đáng kể từ các NĐT ngoại như Nhật, Singapore hay Hàn Quốc. Tất nhiên, nó góp phần tạo nên động lực giúp thị trường giữ được đà tăng trưởng trong bối cảnh nguồn tín dụng cho thị trường đang siết lại.