Đà giảm lãi suất cho vay lan tỏa
Tin vui đầu năm mới | |
Thêm ngân hàng giảm lãi suất cho vay | |
VietinBank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn và trung dài hạn các lĩnh vực ưu tiên |
Hàng loạt NHTM lớn vừa cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khách hàng vay vốn theo Thông tư 39/2016 của NHNN. Hay nói cách khác là mọi cá nhân và DN sản xuất kinh doanh trong 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp – nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp phụ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao) sẽ được hưởng lãi vay ưu đãi hơn mức lãi vay thông thường. Việc các NHTM Nhà nước đồng loạt giảm lãi suất cho vay cho thấy định hướng hỗ trợ nền kinh tế, tiết giảm chi phí sản xuất – kinh doanh sẽ tiếp tục được hệ thống NH thực hiện trong suốt năm 2018.
Chế biến thủy sản xuất khẩu kỳ vọng hưởng lợi kép từ lãi suất VND giảm |
Lãi vay thấp dồn vào sản xuất kinh doanh
Như cam kết của Vietcombank, việc giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND sẽ được NH này bắt đầu thực hiện từ 15/1 đến 31/12/2018. Các nhóm khách hàng được áp dụng mức lãi suất mới bao gồm các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, DN xuất khẩu, DNNVV, DN công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao và nhà khởi nghiệp. Mức lãi suất mới được Vietcombank áp dụng sẽ là 6%/năm. Ngoài ra, các khoản vay hiện hữu của 5 nhóm DN hiện đang ở mức 6,5%/năm cũng sẽ được Vietcombank đồng loạt giảm 0,5%.
Theo số liệu thống kê trong năm 2017, 42% tổng dư nợ của Vietcombank (tương đương khoảng 232.300 tỷ đồng) cho vay ngắn hạn vào 5 nhóm DN lĩnh vực ưu tiên. Ngoài ra, đến hết năm 2017, Vietcombank cũng đã giải ngân được khoảng 6.500 tỷ đồng cho vay đối với các DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, còn khoảng 3.500 tỷ đồng nữa sẽ được giải ngân trong năm 2018 và đầu 2019.
Như vậy, chỉ tính riêng Vietcombank, chủ trương giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn được áp dụng trên thực tế suốt năm 2018 và tỷ trọng cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên của NH này ổn định ở mức tương đương 2017 thì sẽ có khoảng trên 474.600 tỷ đồng vốn ngắn hạn được cho vay với mức lãi suất 6%/năm.
Tại các NHTM lớn khác như VietinBank, Agribank và BIDV số lượng vốn cho vay được tính toán giảm lãi suất 0,5% trong năm 2018 cũng vô cùng lớn.
Theo đó, hiện tổng dư nợ cho vay 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên của VietinBank ước khoảng 460.000 tỷ đồng, chiếm 59% tổng dư nợ của NH này và tăng 30% so với 2016. Nếu tỷ trọng này trong năm 2018 được VietinBank giữ vững hoặc tăng trưởng tương đương năm 2017 thì sẽ có thêm khoảng 500-600 ngàn tỷ đồng vốn rẻ được cung ứng cho cộng đồng DN.
Tại Agribank, đến cuối năm 2017 dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn đạt khoảng 650.000 tỷ đồng, chiếm 73,6% tổng dư nợ cho vay của NH này. Gần đây, Agribank đã triển khai 3 gói tín dụng lãi suất thấp hơn lãi suất điều vốn nội bộ hỗ trợ DN sản xuất kinh doanh nông nghiệp và công nghệ cao.
Chính vì vậy, nếu năm 2018, Agribank thực hiện giảm lãi suất 0,5% đối với các khoản vay vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế ít nhất sẽ có khoảng 700-800 tỷ đồng được áp dụng mức lãi suất ưu đãi 6%/năm.
Trong khi đó, tại BIDV, dư nợ cho vay đối với nhóm DNNVV hiện đang chiếm khoảng 25,6% tổng dư nợ (tức khoảng 220.500 tỷ đồng). Nếu các gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho vay DNNVV và gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho DN siêu nhỏ được NH này tích cực triển khai trong năm 2018 với mức lãi suất giảm 0,5%/năm thì thị trường sẽ có thêm 300-400 tỷ đồng vốn ngắn hạn được ưu đãi lãi suất.
Theo đó, chỉ tính riêng hệ thống 4 NHTM lớn việc cam kết giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn từ đầu năm 2018 đã có thể kỳ vọng trong suốt năm nay sẽ có thêm nhiều NHTMCP cho vay lãi suất 6%/năm.
Trên nguyên lý, khi lãi suất cho vay của các NHTM lớn giảm, các NHTM khác sẽ phải giảm lãi vay theo hoặc các NHTM sẽ phải cạnh tranh bằng các dịch vụ ưu đãi khác cho người vay vốn để giữ chân khách hàng.
Điều này sẽ tạo ra một xu hướng giảm lãi suất trên thị trường, tạo ra một mặt bằng giá vốn với chi phí thấp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Từ đó giúp các DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm hàng hóa Việt Nam trên thị trường xuất khẩu và thị trường tiêu dùng nội địa.
Các NHTM có lượng khách hàng lớn đi đầu giảm lãi suất hy vọng mặt bằng lãi vay sẽ thấp |
Điểm tựa cho DN giảm chi phí
Từ phía các DN sản xuất kinh doanh (nhất là các DN thuộc khối ngành chế biến – xuất khẩu các sản phẩm nông – thủy sản) không phải đến khi các NHTM công bố giảm lãi suất cho vay mới thấy được những tác động tích cực từ nguồn vốn rẻ. Thực tế, ngay từ cuối tháng 12/2017 khi NHNN ban hành Thông tư 18/2017 chính thức nới thêm thời hạn 1 năm đối với hoạt động cho vay ngoại tệ để kích thích sản xuất hàng hóa xuất khẩu thì các DN đã “thở phào” nhẹ nhõm.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, năm 2017, nhờ vào hàng loạt những chính sách hỗ trợ DN, kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản của cả nước đã đạt mức kỷ lục 8,34 tỷ USD. Việc NHNN giữ ổn định được tỷ giá đồng tiền Việt Nam, đồng thời duy trì chính sách cho vay ngoại tệ đối với các DN xuất khẩu đã giúp hàng trăm DN tăng thêm lợi nhuận từ thu xuất khẩu khi quy đổi ra tiền đồng.
Trong năm 2018, do nguồn cung nguyên liệu (nhất là cá tra) ở ĐBSCL không tăng nhiều, trong khi đó giá thành sản xuất – chế biến tăng mạnh nên giá xuất cá tra đi các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… sẽ dao động khoảng 4-4,5 USD/kg. Chính vì vậy, việc NHNN vẫn duy trì ổn định tỷ giá và các NHTM tiếp tục cho vay ngoại tệ xuất khẩu cũng như giảm lãi suất cho vay tiền đồng sẽ hỗ trợ DN tiết giảm chi phí đầu vào khá lớn.
“Và vì vậy cơ hội để đạt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu ngành thủy sản năm 2018 lên mức 8,5 tỷ USD trở lên là khả thi” – ông Hòe cho biết.
Đồng quan điểm, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng cho rằng theo tính toán của các DN, hiện nay nếu lãi suất vay vốn NH giảm được 1% thì giá thành sản phẩm sản xuất ra sẽ tiết giảm được 0,27% chi phí. Do vậy việc các NHTM giảm lãi suất thêm 0,5%/năm nếu được áp dụng đối với tất cả các khoản vay của DN, nhất là các khoản vay đầu tư trung dài hạn và cho vay bổ sung vốn lưu động đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ thương mại thì sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu.