Da giày “quên” thị trường nội?
Mức tiêu thụ mặt hàng giày dép của người Việt Nam mà Hiệp hội Da giày TP. Hồ Chí Minh khảo sát năm 2014 cho thấy, trung bình mỗi người dân Việt Nam sử dụng từ 1,5 - 3 đôi giày/năm, tổng lượng tiêu thụ khoảng 200 - 250 triệu đôi/năm, tập trung 80% vào sản phẩm da, giả da, với mức giá từ 150.000 đồng – 500.000 đồng/đôi. Ước tính hàng năm, giá trị tổng thị trường giày dép các loại trong nước từ 1 - 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay, các nhà sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của thị trường nội địa. Điều này cho thấy, dù mức tiêu thụ ở thị trường nội rất lớn, nhưng DN sản xuất dường như chưa đáp ứng được!
Ảnh minh họa |
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, mục tiêu của ngành vẫn tập trung vào việc tăng trưởng xuất nhập khẩu và làm chủ được thị trường nội địa. Đồng thời, tạo ra được vùng nguyên phụ liệu đủ đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất xuất khẩu cũng như tiêu dùng nội địa.
Năm 2015, mục tiêu của ngành da giày Việt Nam là đạt kim ngạch xuất khẩu từ 13,5 tỷ USD - 14 tỷ USD. Triển vọng của ngành là sáng sủa và khả năng đạt mục tiêu rất cao, do các đơn hàng với các hãng giày lớn còn hiệu lực và có xu hướng gia tăng thêm về số lượng đơn hàng. Riêng 4 tháng đầu năm 2015, ngành da giày đã đạt kim ngạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2014. Hiện nay, ngành da giày đã vượt cả thủy sản, vươn lên đứng thứ 4 trong TOP 5 ngành hàng xuất khẩu chủ lực.
Chính từ những yếu tố thuận lợi của thị trường xuất khẩu mà nhiều DN sản xuất da giày lớn trong nước luôn hướng đến lĩnh vực này, để có lợi nhuận và tăng trưởng doanh thu. Mặt khác, từ năm 2015 Việt Nam đã và sẽ hoàn tất hàng loạt Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, lợi ích mang lại cho ngành da giày từ các hiệp định này chủ yếu là ở các thị trường xuất khẩu. Vì vậy các DN có tiềm lực đang dồn sức chuẩn bị đón đầu cơ hội này.
Theo ông Nguyễn Chí Trung, Tổng giám đốc Công ty giày Gia Định (1/27 Quốc lộ 13, Hiệp Bình Phước, Thủ Đức, Hồ Chí Minh), DN chuẩn bị đón đầu lợi ích từ các hiệp định FTA đã lâu, và công ty định hướng sẽ mở rộng thị phần tại những thị trường xuất khẩu lớn (bằng hoạt động tiếp thị, tiếp xúc khách hàng, mở rộng nhà xưởng, đổi mới trang thiết bị... để nâng cao năng lực sản xuất). Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2014 công ty mới có 30% đơn hàng xuất khẩu vào Hoa kỳ, nhưng 6 tháng cuối năm, lượng đơn hàng vào thị trường này đã chiếm 50%. Năm 2015, mục tiêu tăng trưởng doanh thu của công ty từ 15% - 20% so với năm 2014, trong đó 70% đơn hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa kỳ.
Ông Nguyễn Chí Trung cho rằng, khó khăn lớn nhất của DN ngành da giày là nguyên phụ liệu và nguồn vốn đầu tư sản xuất. Hiện nay, dù nhiều DN lớn trong ngành đã chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, nhưng cũng chỉ là các loại nguyên phụ liệu đơn giản (như đế giày, khoen, khuy, khóa, lót giày, thùng carton...), các loại nguyên liệu chính là da, giả da thì vẫn phải nhập khẩu. Số lượng DN thuộc da của cả nước chưa quá 10 DN, chưa đủ đáp ứng cho sản xuất hàng phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, nên việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu vẫn là vấn đề không hề nhỏ.
Mặt khác, phần lớn DN da giày của Việt Nam hiện nay là DNNVV, tiềm lực tài chính yếu, chưa đủ sức để đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu. Nếu chỉ tập trung vào thị trường nội địa thì bài toán lợi nhuận khó tính. Và còn một thực tế khác là thị trường tiêu thụ da giày nội hiện nay phần lớn tập trung ở phân khúc từ trung bình khá trở lại, và thị trường lớn lại thuộc về khu vực nông thôn. Thế nhưng, thị trường nội có số lượng tiêu thụ không ổn định, đang chịu cạnh tranh gay gắt với hàng cùng loại, giá cực rẻ từ Trung Quốc... Kết quả là tại đây, hàng của DN Việt Nam đôi lúc bán giá cao hơn hàng nhập từ Thái Lan, Trung Quốc, nên khả năng bị tồn kho, quay vòng vốn chậm… luôn luôn tiềm ẩn.