Đà Nẵng: DN thép trước bài toán tồn tại
Nhiều DN thép trên địa bàn TP. Đà Nẵng đang “đau đầu” tìm cách tiêu thụ sản phẩm. Theo đại diện CTCP Thép Dana - Ý, trong thời gian qua, DN chấp nhận cắt giảm sản xuất và bán nhanh sản phẩm để quay vòng vốn, đảm bảo việc làm cho người lao động, nhưng tình hình tiêu thụ vẫn không khá hơn. Giá trị hàng tồn kho thành phẩm của DN hiện lên đến hàng trăm tỷ đồng. CTCP Thép Thái Bình Dương cũng ở trong tình trạng tương tự.
DN thép đang phải cắt giảm tối đa chi phí để tồn tại
Ông Nguyễn An, Tổng giám đốc công ty cho biết, hiện công suất nhà máy chỉ vận hành chưa tới 30%, người lao động chỉ làm mỗi ngày 1 ca do đầu ra gặp nhiều khó khăn. Hiện tại lượng hàng tồn kho của DN còn khá nhiều.
Tình hình trên cũng diễn ra ở các DN, cơ sở sản xuất nhỏ hơn. Tại khu công nghiệp Thanh Vinh (Khu công nghiệp cán kéo thép dành cho các DNNVV trên địa bàn TP. Đà Nẵng), nhiều DN cũng trong tình trạng sản xuất cầm chừng. Ông Trần Văn Tâm, công nhân một nhà máy thép tại đây cho hay, nhiều tháng qua, mỗi công nhân chỉ làm trên dưới 15 ngày do sản phẩm của DN không bán được, chủ DN buộc công nhân phải làm xoay vòng chứ không còn toàn thời gian như trước.
Không riêng các nhà máy sản xuất mà các DN phân phối cũng rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Theo lãnh đạo CTCP Đầu tư và Kinh doanh thép Nhân Luật, từ đầu năm 2012 đến nay, do ảnh hưởng bởi những khó khăn chung của nền kinh tế nên lực mua giảm mạnh. Gần đây, DN chỉ hoàn thành khoảng 60% kế hoạch kinh doanh. Trong khi đó, ở thời điểm trước, DN hoàn thành vượt kế hoạch bán hàng đề ra.
Theo Bộ Công Thương, do không tiêu thụ được sản phẩm, nhiều DN trong ngành hiện chỉ sản xuất khoảng 40 - 50% công suất. Điều này càng làm tăng chi phí cố định trong giá thành sản phẩm. Chưa kể, áp lực tài chính đang đè nặng lên vai các DN. Trong tháng 1/2014, sản lượng sắt, thép thô của cả nước đạt khoảng 236,8 nghìn tấn, giảm 22,4% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc 248,7 nghìn tấn, giảm 3%; riêng thép cán khoảng 309,8 nghìn tấn, tăng 16,7%. Một số nhà máy thép đã nghỉ sản xuất trong dịp Tết Nguyên đán để tiết kiệm chi phí vận hành, bởi nhận thấy nhu cầu không tăng đột biến trong những tháng đầu năm 2014.
Chính việc bán hàng rơi vào tình trạng trầm lắng, nên việc đầu tư mở rộng sản xuất của các DN thép dường như “đứng bánh”. Ông Nguyễn An cho hay, để đầu tư một nhà máy thép, ít nhất DN phải bỏ ra số tiền từ 500 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư lớn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Do đó, trong thời gian qua dường như không có DN thép nào dám mạo hiểm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Nhiều dự án đầu tư mở rộng bị dở dang khiến các DN trót lỡ “phóng lao” rơi vào tình cảnh khốn đốn, không tìm được lối ra.
Nhận định về những khó khăn của các DN thép hiện nay, ông Nguyễn Diễn, Phó giám đốc VCCI Đà Nẵng chia sẻ: Trong bối cảnh thu nhập của người dân đang giảm đi, kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, việc tiêu thụ sản phẩm thép bị giảm nên DN gặp khó khăn là điều tất yếu.
Đề xuất giải pháp thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, ông Diễn cho rằng, các DN phải tự cứu lấy mình bằng cách giảm sản lượng, chi phí sản xuất như điện, nước, nguyên vật liệu để hạ giá thành và kích cầu thị trường. Ngoài ra, DN cần có các dự báo chính xác về nhu cầu tiêu thụ để có căn cứ hoạch định kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh tình trạng sản phẩm dư thừa dễ dẫn đến bán tháo để trả nợ…
Còn theo các chuyên gia kinh tế, hiện tại thị trường bất động sản chưa khởi sắc nên nhu cầu về thép không cao, dẫn đến nguy cơ thừa thép vẫn còn. Vậy nên, DN thép cần đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập thép và nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, DN nên coi đây là thời điểm chọn lọc, tái cơ cấu nguồn vốn cũng như nguồn nhân lực để có thể phát triển bền vững.
Bộ Công Thương thì khuyến cáo, để khắc phục những khó khăn nội tại cũng như vượt qua thách thức trong thời gian tới, ngành thép cần tiếp tục tập trung đầu tư năng lực sản xuất phôi thép để tăng tính chủ động về nguồn nguyên liệu, giảm phụ thuộc vào phôi nhập khẩu.
Hy vọng duy nhất của các DN thép là từ 25/1/2014, một số mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) bị áp thuế chống bán phá giá tạm thời trong vòng 120 ngày; từ ngày 1/1/2014, Bộ Công Thương quy định áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép làm cốt bê tông theo QCVN 7: 2011 với mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các DN sản xuất thép và người tiêu dùng trong nước.
Đây là những yếu tố tích cực duy nhất giúp DN thép có cơ hội phục hồi hoạt động sản xuất trong thời gian tới.
Bài và ảnh Công Thái