Đà Nẵng: Tín dụng chính sách - “bà đỡ” của người nghèo
Ngân hàng Chính sách xã hội là kênh tín dụng quan trọng | |
Tín dụng chính sách trên thành phố Cảng | |
Nguồn vốn ưu đãi giúp Nam Sách giảm nghèo bền vững |
Góp phần giúp 7.915 hộ thoát nghèo
Ngày 20/1/2017, Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) TP. Đà Nẵng tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động các chương trình tín dụng chính sách năm 2016 và sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và triển khai nhiệm vụ năm 2017.
Ông Đoàn Ngọc Chung phát biểu tại hội nghị |
Theo ông Đoàn Ngọc Chung, Phó giám đốc phụ trách VBSP Đà Nẵng, năm 2016 có 20.499 lượt khách hàng được vay vốn tại chi nhánh. Doanh số cho vay đạt 583,9 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 395,8 tỷ đồng. Đến cuối năm 2016, Đà Nẵng có 67.139 khách hàng còn dư nợ, tổng dư nợ là 1.498,3 tỷ đồng, tăng 14% so năm 2015. Trong đó, các chương trình chiếm tỷ trọng lớn như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo chiếm 30%, cho vay học sinh sinh viên chiếm 17%.
Năm 2016, VBSP Đà Nẵng cũng đã triển khai các chương trình tín dụng mới như cho vay theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương; cho vay hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với 8,475 tỷ đồng (306 hộ); cho vay người dân Làng Vân, với số tiền 1,110 tỷ đồng tương ứng 37 hộ vay.
Ông Chung khẳng định, công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng luôn được tập trung. Nhờ quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng tín dụng, tổng nợ xấu toàn thành phố còn khoảng 7 tỷ đồng, tỷ lệ 0,47% tổng dư nợ. Trong đó, nợ quá hạn là 4,604 tỷ đồng, nợ khoanh là 2,105 tỷ đồng, nợ chiếm dụng xâm tiêu là 345 triệu đồng/5 vụ. Một số địa phương có chất lượng tín dụng tốt, nợ quá hạn luôn được duy trì ở mức thấp như quận Cẩm Lệ 0,14%, Hòa Vang 0,15% .
Tuy nhiên, tại một số địa phương tỷ lệ nợ quá hạn vẫn còn cao so với mức trung bình chung của toàn chi nhánh như Thanh Khê 0,66%, Sơn Trà 0,4%, Hải Châu 0,38%. Cùng với đó, chất lượng Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) cũng được nâng lên đáng kể. Hiện toàn thành phố có 1.792/1.845 Tổ TK&VV đạt loại tốt, khá; 39 Tổ TK&VV xếp loại trung bình và 13 Tổ TK&VV xếp loại yếu, kém.
Năm 2016, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giúp 7.915 hộ thoát nghèo, 3.220 hộ thoát cận nghèo; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,92% đầu năm xuống còn 5,09% vào cuối năm. Các chương trình tìn dụng chính sách góp phần tạo việc làm mới cho hơn 3.000 lao động; hỗ trợ 1.293 học sinh sinh viên vay vốn để trang trải chi phí học tập.
Song song đó, chương trình tín dụng nước sạch vệ sinh môi trường đẫ tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình khu vực nông thôn cải thiện môi trường sống, với 2.762 công trình nước sạch và 2.732 công trình vệ sinh môi trường mới được xây dựng, cải tạo, nâng cấp tại huyện Hòa Vang. Qua đó, góp phần giúp cho huyện Hòa Vang đạt chuẩn nông thôn mới; 54 lượt hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung.
Vốn chính sách giúp hàng ngàn hộ thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống |
Chỉ thị 40-CT/TW đã đi vào cuộc sống
Cùng với đó, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW tại Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả khả quan. Thông qua việc quán triệt, triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban ngành đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức về ý nghĩa kinh tế, chính trị của kênh tín dụng ưu đãi. Các cấp ủy Đảng chỉ đạo Hội đoàn thể nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý vốn vay ủy thác; UBND các phường nâng cao tính kiểm tra, giám sát trong triển khai cho vay và quản lý vốn vay, quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho VBSP giao dịch tại hội trường lớn, bàn ghế phục vụ cho người dân; chi bộ khu dân cư, tổ dân phố quan tâm theo dõi, giám sát hoạt động của Tổ TK&VV.
Đơn cử tại quận Hải Châu, UBND quận Hải Châu tham mưu cho Quận ủy ban hành Quyết định số 1189-QĐ/QU ngày 8/11/2016 về việc thành lập Đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW trên địa bàn. Ban đại diện VBSP quận Hải Châu bổ sung đầy đủ 13/13 Chủ tịch UBND các phường vào làm thành viên.
Việc bổ sung này đã nâng cao được năng lực quản lý, điều hành hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở. Chủ tịch UBND các phường làm tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách; triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng được vay vốn kịp thời. Trong các cuộc họp Ban đại diện VBSP quận hàng quý ngoài thành viên Ban đại diện là Chủ tịch UBND 13 phường còn mời bổ sung Trưởng Ban giảm nghèo - Phó chủ tịch UBND 13 phường tham dự. Trưởng Ban giảm nghèo 13 phường tham dự đầy đủ và lĩnh hội các chỉ đạo từ Trưởng Ban đại diện để triển khai hoạt động tín dụng chính sách tại địa phương, góp phần đem lại hiệu quả.
Tại hội nghị, ông Trần Văn Miền, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng, kiêm trưởng Ban đại diện HĐQT VBSP Đà Nẵng đánh cao và biểu dương sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên chi nhánh đã không quản ngày đêm phối hợp với các hộ, đoàn thể tiếp vốn cho người nghèo, giúp người nghèo có điều kiện làm ăn vươn lên thoát nghèo.
Ông Miên dẫn chứng, số liệu trên minh chứng cho kết quả thực hiện chương trình tín dụng chính sách trong thời gian qua hỗ trợ đắc lực chủ trương thực hiện chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm của Đà Nẵng đã đề ra một cách có hiệu quả. Điều này khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và nhà nước dành ra một phần nguồn lực tài chính tuy còn hạn hẹp để tạo lập kênh tín dụng dành riêng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ có vốn sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Để kênh tín dụng phát huy hiệu quả hơn nữa, ông Miên đề nghị, trước những thách thức mới, nhiệm vụ của VBSP Đà Nẵng rất nặng nề. Do đó, chính quyền và đoàn thể tại các địa phương cần coi nhiệm vụ của VBSP cũng là nhiệm vụ của chính tổ chức mình và thực sự chăm lo và tạo điều kiện thuận lợi nhất để VBSP thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong đó, các ngành liên quan phải tham mưu kịp thời cho UBND thành phố dành nguồn vốn từ ngân sách địa phương hàng năm ủy thác cho VBSP thực hiện cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đồng thời, tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách thành phố vào đầu mối là VBSP để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách theo quy định. VBSP Đà Nẵng tham mưu UBND các cấp kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện HĐQT các cấp và tổ chức triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách được Trung ương và địa phương giao.
Cùng đó, VBSP Đà Nẵng, các cấp hội đoàn thể phải thường xuyên phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị nhận ủy thác, đồng thời hướng dẫn các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp, các Tổ TK&VV về quy trình, nghiệp vụ tín dụng chính sách để triển khai tốt tại cơ sở. Trên cơ sở đó, đặt mục tiêu tăng trưởng nguồn vốn tín dụng năm 2017 tối thiểu 8% so với năm 2016; tỷ lệ nợ xấu dưới 0,45%/tổng dư nợ; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,35%/tổng dư nợ.