Đảm bảo giữ vững ổn định thị trường tiền tệ trên địa bàn Vĩnh Phúc
Ngành Ngân hàng Vĩnh Phúc: Xử lý nợ xấu - Những kết quả bước đầu | |
Vĩnh Phúc và bước chuyển từ cải cách hành chính |
Dự hội nghị có ông Lê Duy Thành - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Hà Quang Tiến - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; ông Trần Văn Tiến - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc; ông Nguyễn Văn Tâm – Tỉnh ủy viên, Giám đốc NHNN Vĩnh Phúc; đại diện một số vụ, cục của NHNN Việt Nam và các ngân hàng, TCTD trên địa bàn.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban lãnh đạo NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc |
Nhân dịp này, NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì; và cá nhân ông Hoàng Duy Chinh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước. |
Theo ông Nguyễn Văn Tâm – Giám đốc NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Thống đốc NHNN, bám sát các chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, năm 2018, NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng trên địa bàn.
Trong đó, nổi bật việc chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai công tác tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả, an toàn, đảm bảo chất lượng tín dụng; chú trọng ưu tiên nguồn vốn cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và NHNN; Hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn; chủ động xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng kết hợp với đổi mới quy trình cho vay, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho người dân, DN tiếp cận vốn tín dụng phát triển sản xuất kinh doanh...
Với sự chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm của NHNN chi nhánh tỉnh nên hoạt động ngân hàng trên địa bàn Vĩnh Phúc đã đạt nhiều kết quả tích cực như: Đến 31/12/2018, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 69.015 tỷ đồng, tăng 12,01% so với năm 2017; Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến 31/12/2018 đạt 67.261 tỷ đồng, tăng 27,3% so với năm 2017; Tổng nợ xấu nội bảng đã được xử lý tại TCTD đến 31/12/2018 là 405 tỷ đồng... “Đạt được kết quả trên là do các TCTD trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu theo lộ trình cụ thể, triển khai thực hiện các biện pháp thu hồi nợ, đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành tặng hoa chúc mừng Hội nghị |
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều khẳng định về thành công trong hoạt động của hệ thống Ngân hàng Vĩnh Phúc trong năm vừa qua với nhiều điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, để đạt kết quả tốt hơn nữa, các TCTD trên địa bàn cho rằng, cần phải nỗ lực và quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành của NHNN tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan. Bà Lê Thanh Mai – Giám đốc VietinBank chi nhánh Vĩnh Phúc đề cập đến việc thu hồi nợ của các TCTD vẫn gặp khá nhiều khó khăn trong xử lý nợ xấu.
Các ngân hàng cho rằng, có khách hàng bị nợ xấu lại rất khó khăn về tài chính, hoạt động kinh doanh cầm chừng hoặc không còn hoạt động dẫn đến không có nguồn thu thường xuyên để trả nợ cho ngân hàng. Một số trường hợp khách hàng không còn ở nơi cư trú, có biểu hiện chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm trả nợ, chủ tài sản không hợp tác hoặc hợp đồng thế chấp tài sản yếu về pháp lý, tài sản có tính thanh khoản kém, giá trị bị sụt giảm mạnh, khó phát mại…
Ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc BIDV Phúc Yên lại đề cập đến khó khăn khác, đó là việc giải quyết thủ tục chứng nhận tài sản gắn liền với đất của một số cơ quan liên quan còn chậm nên thực hiện giao dịch đảm bảo còn khó khăn. “Khách hàng có nhà trên đất nhưng chúng tôi không dám chứng nhận và sự chậm chạp này là bất lợi cho ngân hàng và bản thân khách hàng cũng chịu thiệt thòi. Vì vậy đề nghị các cơ quan liên quan quan tâm, hỗ trợ” - ông Hòa chia sẻ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Duy Thành – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ về những kết quả ấn tượng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc như: Hoàn thành 14/14 chỉ tiêu kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,06%, vượt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra (7,5-8%), trong đó: nông, lâm, thuỷ sản tăng 3,89%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng 13,54%; dịch vụ tăng 7,36%; thuế sản phẩm giảm 1,55%…
Đặc biệt, tăng trưởng của Vĩnh Phúc không còn phụ thuộc vào nhân công giá rẻ mà tập trung vào các ngành giá trị gia tăng cao như sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất ô tô, một số lĩnh vực thu hút đầu tư đều là công nghệ cao, với giá trị gia tăng cao; chất lượng tăng trưởng còn thể hiện qua tỷ lệ vốn đầu tư/ha nếu như trước đây đất chỉ 3-4 triệu USD/ha thì nay con số này cao hơn rất nhiều.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho rằng, những kết quả trên không thể không kể đến sự đóng góp tích cực của hệ thống ngân hàng tỉnh trong năm vừa qua.
“Vai trò và vị trí của ngân hàng rất quan trọng, được ví như là mạch máu nền kinh tế. Kinh tế có phát triển hay không thì phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng” – ông Thành nhấn mạnh.
Ông Lê Duy Thành cho rằng, năm 2019, hệ thống ngân hàng Vĩnh Phúc cần lưu ý trước sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường tài chính, thị trường vốn; sự đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng về các dịch vụ ngân hàng hiện đại buộc hệ thống phải đáp ứng; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi những yêu cầu mới.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị, NHNN chi nhánh tỉnh quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương trong việc triển khai nhiệm vụ, đảm bảo giữ vững ổn định tài chính - tiền tệ trên địa bàn; Bám sát chỉ đạo của địa phương, đáp ứng tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; Đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu, tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên; Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, ông Lê Duy Thành cũng đề nghị, hệ thống ngân hàng tỉnh tiếp tục thực hiện và quan tâm hơn nữa đối với lĩnh vực an sinh xã hội, đóng góp tích cực hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao vị thế của hệ thống ngân hàng Vĩnh Phúc.