Đảm bảo thực phẩm an toàn: Tất cả đều đã sẵn sàng
TS. Đặng Kim Sơn |
Bộ NN&PTNT vừa công bố danh sách 69 địa chỉ cung cấp sản phẩm nông sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi, Hà Nội có 6 địa chỉ. Vậy phải chăng, người dân đang phải chấp nhận sử dụng 2 loại thực phẩm an toàn và thực phẩm không an toàn trên thị trường, thưa ông?
Đây là bước đột phá đầu tiên mà Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan báo chí để khởi động phong trào “lấy ánh sáng đẩy lùi bóng tối”. Có thể nói đây mới là những “đốm lửa nhỏ”, tự cam kết và kiểm tra lẫn nhau, mỗi điểm cũng cố gắng xây dựng chuỗi giá trị của mình, có vùng nguyên liệu, tiêu chuẩn, và kiểm soát.
Nhưng, đây vẫn chỉ là nỗ lực ban đầu của bản thân cơ sở. 69 điểm bán hàng trên cả nước với gần 100 triệu dân thì như muối bỏ bể. Ngay tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì thực phẩm bẩn vẫn chiếm đa số.
Giữa “một rừng” thực phẩm trên toàn quốc thì việc chỉ công bố 69 cơ sở liệu có gây hoang mang cho người tiêu dùng không, thưa ông?
Theo tôi là hoàn toàn không. Mọi người khi được hỏi thì đa số chấp nhận trả giá cao hơn để được mua thực phẩm sạch. Còn người sản xuất thì cũng sẵn sàng bỏ công bỏ sức để sản xuất thực phẩm sạch. Tôi tin rằng nếu chúng ta làm tốt, thì 69 đơn vị ban đầu nhanh chóng sẽ được nhân rộng lên hàng nghìn, hàng vạn đơn vị.
Tại thời điểm này, người tiêu dùng vẫn đang băn khoăn về việc thị trường nông sản Việt Nam đang bị thả nổi?
Nói thả nổi thì hơi quá, nhưng sự cố gắng của các bộ, ngành còn yếu, giữa các địa phương chưa gắn kết, giữa các thành phố lớn với các địa phương là vùng nông sản cung cấp vẫn bị chia cắt, chưa gắn kết thành chuỗi giá trị, chưa có liên kết với nhau trong vùng và ngay bản thân giữa người tiêu dùng và người sản xuất, người kinh doanh vẫn bị chia cách.
Tôi nghĩ rằng, một trong những vai trò quan trọng của Nhà nước là kiến tạo mối liên kết giữa các tổ chức của dân, của người sản xuất kinh doanh. Đến nay, lẽ ra chúng ta cần phải làm tốt công tác liên kết vùng hình thành các quy hoạch đồng bộ để các địa bàn thành phố lớn, thậm chí từng quận huyện phải có quy hoạch rõ ràng hệ thống phân phối hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn.
Ông đánh giá như thế nào về hướng sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch hiện nay?
Lúc này có nhiều tiêu chuẩn và nhiều chuỗi giá trị với cách thức kiểm soát khác nhau. Và vấn đề đầu tiên là chúng ta cần phải áp dụng từng tiêu chuẩn như thế nào cho đơn giản, dễ hiệu và chi phí thấp để toàn dân có thể áp dụng được, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Sau đó, từng bước nâng lên và đồng nhất hóa tiêu chuẩn đó lại.
Theo tôi, tiêu chuẩn phải thống nhất chứ không phải mỗi Bộ kiểm soát một đoạn. Làm thế nào để hướng đến thị trường quốc tế, nhằm có thể cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu. Hệ thống tiêu chuẩn này phải được chuẩn hóa, từng bước xã hội hóa để chính người dân là người tham gia kiểm tra, kiểm soát, đánh giá, phản ánh lại với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, chứ không để tình trạng gánh nặng dồn hết lên vai các cơ quan chức năng.
Cụ thể, nếu muốn xây dựng một thị trường nông sản an toàn phải làm thế nào?
Để có được một chương trình vệ sinh an toàn đầy đủ, để thật sự có một thị trường thực phẩm an toàn cho đại đa số nhân dân, nhất là những người có thu nhập thấp thì chúng ta cần phải nâng tầm phong trào lên. Các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Y tế thống nhất được tiêu chuẩn đánh giá, vừa đơn giản, minh bạch nhưng chi phí phù hợp để DN, người mua, người bán đều chấp nhận được.
Như vậy, phải có chính sách hỗ trợ, không chỉ có chính quyền Trung ương mà cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Sau đó, hỗ trợ để đảm bảo các địa chỉ này thực sự là “xanh”, trong quá trình triển khai hoạt động không để xảy ra sự cố nào đáng tiếc cả, từ đó người dân mới tin.
Tất nhiên, giá sẽ có sự chênh lệch nhưng chính đó sẽ giúp cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này. Như vậy, trong tương lai, số chuỗi giá trị sạch sẽ tăng lên, DN thấy có lợi, có hiệu quả họ sẽ đầu tư vào. Về phía người tiêu dùng, nếu cảm thấy tin tưởng thì sẽ chấp nhận. Đây chính là cơ chế thị trường và lúc đó, chúng ta có thể tin tưởng về một thị trường vững bền và an toàn cho tất cả mọi người.
Khi đó, việc giám sát cần có sự phân cấp, phân quyền, trao quyền cho người dân, cho người tiêu dùng, người kinh doanh sản xuất cùng tham gia đánh giá chất lượng sản phẩm. Còn cơ quan Nhà nước kiểm tra lại các cơ sở được ủy quyền của các thành phần kinh tế khác để cùng tham gia quản lý.
Còn về phía DN, liệu chúng ta có giải pháp gì giúp họ tháo gỡ khó khăn trong việc đưa nông sản sạch ra thị trường?
Hiện nay, DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chịu rất nhiều rủi ro trong khi lợi nhuận, thu được lại rất nhỏ. Đối với các DN nông nghiệp nói chung và nhất là đối với các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cung cấp thực phẩm sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm cao thì cần có những giải pháp hỗ trợ. Đầu tiên là công tác tuyên truyền, giới thiệu để người dân biết những địa chỉ đáng tin cậy.
Bên cạnh đó, DN muốn ổn định thì phải có chân hàng thật tốt. Hiện chúng ta đang có khoảng chục triệu hộ nông dân nhỏ lẻ, Nhà nước nên hỗ trợ trong việc tổ chức sản xuất cho họ, cần hình thành vùng chuyên canh.
Như vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN, nông dân, hỗ trợ kết nối DN - nông dân kết nối với nhau, hỗ trợ kiểm soát.
Trong một khu chợ cần có phòng kiểm nghiệm, kiểm nghiệm một cách ngẫu nhiên các mẫu hàng, nếu phát hiện có sai phạm thì cần có biện pháp xử lý, tất cả chi phí kiểm tra này Nhà nước cũng cần đầu tư.
Đã đến lúc chúng ta cần chuyển phần hỗ trợ từ sản xuất sang hỗ trợ sau sản xuất như các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, tuyên truyền. Nếu chúng ta làm được như vậy, giá trị gia tăng của nông sản Việt sẽ tăng lên và khả năng cạnh tranh của chúng ta với nông sản thế giới sẽ mạnh hơn.
Xin cảm ơn ông!