Đào tạo về cho vay thế chấp là tài sản trí tuệ
Nhằm cung cấp các kiến thức và kinh nghiệm về tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ, từ đó giúp các NHTM tự tin hơn để triển khai và phát triển tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ ở Việt Nam, góp phần tăng trưởng tín dụng và tạo cơ hội tiếp cận vốn cho các DNNVV, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới trong 2 ngày 4-5/5 đã tổ chức khóa đào tạo quốc tế về chủ đề này.
Chia sẻ tại khóa học, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký VNBA cho biết, các loại TSĐB cho khoản vay hiện nay thường là bất động sản nhưng trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang khó khăn và nhiều khuôn khổ pháp lý cũng đang gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc thu hồi nợ, gây ra không ít rủi ro cho các ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, để giảm rủi ro, tài trợ vốn có bảo đảm bằng động sản và tài sản trí tuệ được xem là giải pháp hiệu quả đối với các NHTM, qua đó tạo động lực để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN, đặc biệt là các DNNVV.
Theo bà Xuan-Thao Nguyen, Giáo sư Luật, chuyên gia về giao dịch bảo đảm, Trường Đại học Luật Mc Kinney và Trường Tổng hợp Indiana (Mỹ), tài trợ vốn có bảo đảm là tài sản sở hữu trí tuệ đã được các ngân hàng ở Mỹ triển khai từ cách đây khoảng 2 thế kỷ và đang đem lại nhiều thành công.
Do đó tại Việt Nam, cho vay theo hình thức này cũng hoàn toàn có thể thành công nếu các ngân hàng thực sự bắt tay vào triển khai trong khi các DN thực sự hiểu được các tài sản trí tuệ của mình, đồng thời hệ thống khuân khổ pháp luật liên quan tiếp tục được hoàn thiện.
Đặc biệt, chuyên gia này cho rằng, do có lợi thế là nước đi sau nên các NHTM Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đã triển khai để từ đó áp dụng thành công vào thực tế cho vay tại ngân hàng mình.
Cũng trong hai ngày đào tạo, các thành viên tham gia đã được nghe các chuyên gia trình bày về kinh nghiệm tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ của Ngân hàng Silicon Valley Bank; các kinh nghiệm tiến hành định giá tài sản trí tuệ độc lập; khung pháp lý cho hoạt động tài trợ vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ ở Việt Nam hiện nay và các khuyến nghị về phát triển lĩnh vực vốn có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ ở thị trường Việt Nam trong thời gian tới.