Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao: Cuộc “chạy vượt rào” nhiều thách thức
Tháo gỡ để cho vay nông nghiệp sạch | |
Nông nghiệp hữu cơ: Cần chính sách thu hút doanh nghiệp |
Ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng ban BQL Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (KNNCNC) TP. Hồ Chí Minh cho biết, sản xuất ở các KNNCNC đạt năng suất cao gấp nhiều lần so với sản xuất thông thường, cũng như đem lại nhiều giá trị cho người nông dân, DN và nền kinh tế đất nước.
Sản xuất NNCNC tạo ra giá trị sản lượng cao hơn nhiều so với sản xuất theo lối cũ |
Có thể lấy dẫn chứng tại những KNNCNC của Israel, năng suất cây cà chua trồng theo phương pháp hiện đại có thể đạt 500-600 tấn/ha, bưởi 150-200 tấn/ha, hoa cắt cành 3 triệu cành/ha, năng suất bò sữa bình quân 115 ngàn lít/chu kỳ/con...
Như vậy, sản xuất NNCNC có thể tạo ra giá trị sản lượng và thu nhập hàng trăm USD/ha/năm, cao hơn nhiều so với sản xuất theo lối cũ trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, đó là ở những nước có nền nông nghiệp phát triển, đi đôi với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật.
Tại Việt Nam, không phải DN không nhìn thấy lợi ích từ việc đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, mà vấn đề nằm ở chỗ những trở ngại trong cơ chế chính sách, thủ tục, nguồn vốn, đất đai... là nguyên nhân khiến không ít DN muốn tham gia đầu tư phải chùn bước.
Một số DN tại TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ về khó khăn khi đầu tư vào lĩnh vực NNCNC. Đó là, chính sách khuyến khích đầu tư NNCNC hiện nay chưa phù hợp thực tiễn dẫn đến DN gặp khó tiếp cận cơ chế ưu đãi. Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết, để thành lập KNNCNC thì thủ tục rất phức tạp, phải thông qua nhiều bộ, ngành khác nhau.
Cụ thể, căn cứ vào Quyết định số 69/2010/QĐ-TTg, DN muốn lập KNNCNC cần thỏa mãn các tiêu chí của Luật Công nghệ cao, sau đó phải làm hồ sơ chứng minh đạt các tiêu chí này gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, cấp chứng nhận.
Tuy nhiên, các tiêu chí đã ban hành chưa rõ ràng, chưa cụ thể nên việc áp dụng còn rất khác nhau giữa các nơi và DN phải xin xác nhận ở nhiều đầu mối mà không được tự chứng minh bằng các kết quả ứng dụng đã có.
Ngoài ra, các hoạt động chứng nhận đang do cấp Trung ương thực hiện mà không phân cấp cho địa phương nơi quản lý trực tiếp hoạt động của DN, khiến DN mất thêm nhiều chi phí, thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính.
Còn nữa, đến khi hoạt động sẽ còn phát sinh nhiều vấn đề khiến các DN rất băn khoăn như không có quỹ đất lớn để sản xuất; Hợp tác với nông dân còn nhiều rủi ro vì tính tuân thủ hợp đồng còn yếu; Hệ thống cung cấp vốn cho DN chưa phát triển; Thị trường tiêu thụ nông sản còn bấp bênh...
Ông Nguyễn Thế Năng, Giám đốc DN chế biến xuất khẩu trái cây tại tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, đối với cây trồng theo kỹ thuật cao, ngoài việc tuân thủ về quy trình chăm bón, tưới tiêu, đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ kỷ luật trong quá trình thu hái, bảo quản. Nhiều khi chỉ cần chậm một vài ngày trong quá trình thụ phấn cho cây, trái ra không đều cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị hàng hóa, đôi khi phải hủy cả đơn hàng.
Nhiều DN khác cho biết thêm, đó mới chỉ là chuyện nhỏ, còn câu chuyện mang tính dài hơi và chưa có hồi kết là của sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu Việt Nam thường đứng nhất nhì về sản lượng nhưng giá trị thu về không cao. Sở dĩ là do hiện nay tại Việt Nam dù “nhà nhà làm nông nghiệp, người người làm nông nghiệp”, nhưng lại chưa có sàn giao dịch nông sản đúng nghĩa để kiểm soát được chất lượng, sản lượng và giá trị cho hàng hóa.
Chính vì thế, rất khó thúc đẩy các DN nông nghiệp phát triển thương mại điện tử, chú trọng truy xuất nguồn gốc, đảm bảo yếu tố vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình phát triển NNCNC đến năm 2020 quy định rõ sẽ đưa tỷ trọng giá trị sản xuất NNCNC chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước, hình thành và phát triển khoảng 200 DN NNCNC tại các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm...
Tuy nhiên, bàn về câu chuyện nền NNCNC của nước nhà, một số chuyên gia đưa ra vấn đề, cơ chế hợp tác công - tư trong xúc tiến thương mại ngành nông nghiệp còn hạn chế, hình thức, ít hiệu quả. Việc không xác định được thị trường trọng tâm, trọng điểm dẫn đến phân bố nguồn lực xúc tiến bất hợp lý. Bên cạnh đó các chương trình xúc tiến còn hình thức, chưa thực sự kết nối đúng nhu cầu của DN.
Các chuyên gia cho rằng, Chính phủ nên xem xét ban hành quy định về cơ chế hợp tác công - tư bắt buộc trong xúc tiến thương mại cho nông nghiệp và nâng cao năng lực cho DN hoạt động trong lĩnh vực NNCNC.