Đầu xuôi, đuôi sẽ lọt
Hà Nội: Tín dụng 4 tháng ước tăng 3,62% | |
Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở sẽ về đich đúng hạn | |
Khơi thông vốn tín dụng hỗ trợ nhà ở |
Kết quả kinh doanh quý I/2017 của nhiều NH tiếp tục ghi nhận sự khởi sắc với những con số ấn tượng, cả ở khối NHTM Nhà nước cũng như NHTMCP. Nhìn vào kết quả kinh doanh này, hoàn toàn có thể kỳ vọng triển vọng kinh doanh tiếp tục tích cực cho NH trong 3 quý còn lại của năm.
Tín hiệu lạc quan
Tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của một số NH vừa được tổ chức, không ít các nhà băng cho thấy tín hiệu lợi nhuận tích cực ngay từ những tháng đầu năm. Tính đến hết quý I/2017, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 2.544 tỷ đồng, cao hơn mức 2.405 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Sau thuế, lợi nhuận còn 2.039 tỷ đồng. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 VietinBank đề ra là 16%. Nhưng chỉ tính riêng quý I năm nay, chỉ tiêu này của NH đã đạt 5,6%.
Tăng trưởng ngay từ quý đầu năm giúp NH có cơ hội bứt phá để về đích thành công |
Một NHTM Nhà nước lớn khác là BIDV cũng có sự tăng trưởng tốt ở các chỉ tiêu kinh doanh. Lợi nhuận trước thuế của BIDV hết quý I/2017 đạt 2.075 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 27% kế hoạch đề ra năm 2017. Với Vietcombank, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của NH này lần lượt là 2.736 tỷ đồng và 2.209 tỷ đồng, tăng 20% so với 3 tháng đầu năm 2016.
Đáng chú ý là chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tăng khá mạnh ở các NHTM Nhà nước. Đơn cử, Vietcombank tăng 33% chi phí hoạt động lên mức 3.149 tỷ đồng; trích dự phòng 1.400 tỷ đồng. VietinBank trong quý I cũng tăng trích lập dự phòng lên 43%, đạt mức 2.064 tỷ đồng, chi phí hoạt động tăng 17%. BIDV có chi phí hoạt động tăng 24%, dự phòng rủi ro tín dụng khoảng 2.350 tỷ đồng.
Không chỉ với khối NHTM Nhà nước, gam màu sáng cũng được nhìn thấy ở các chỉ tiêu kinh doanh của khối NHTMCP. Chẳng hạn như VPBank, tổng tài sản hợp nhất trong 3 tháng đầu năm 2017 đạt gần 230 ngàn tỷ đồng. Trong đó, tính riêng chỉ số huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt mức 186 ngàn tỷ đồng, tăng 14 ngàn tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2016. Cho vay khách hàng đạt 152 ngàn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cuối 2016. Hai chỉ tiêu trên được cải thiện tích cực đã giúp lợi nhuận trước thuế của VPBank đạt hơn 1.900 tỷ đồng, tăng trên 85% so với quý I/2016. Còn tại báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017 của MB vừa công bố, lợi nhuận trước thuế của NH này đạt 1.111 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ...
Một điểm nữa cũng đáng lưu ý, đó là trong quý I/2017, nhiều NH lãi lớn nhờ vào kinh doanh chứng khoán. Kết quả kinh doanh quý I/2017 của TPBank cho thấy, mua bán chứng khoán đầu tư đã đem về 103 tỷ đồng lợi nhuận.
Tương tự, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 175 tỷ đồng và chứng khoán đầu tư với 449 tỷ đồng đã giúp cho thu nhập lãi thuần trong kỳ của Techcombank đạt 2.186 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Với Sacombank, dù thu nhập lãi thuần giảm so với cùng kỳ năm 2016 nhưng các hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối đều có sự tăng trưởng trong quý I/2017. Trong đó, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư ở mức 29 tỷ đồng.
Triển vọng tích cực
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, một chuyên gia kinh tế cho rằng, những tín hiệu tích cực từ kết quả kinh doanh trong quý I/2017 của các NH sẽ là tiền đề giúp cho các nhà băng có sự bứt phá hơn trong 3 quý còn lại của năm 2017. Thị trường cũng đang rất kỳ vọng khi từ cuối năm 2016, nhiều NH đã và đang sửa soạn cho việc “lên sàn” vào năm nay. Công khai, minh bạch về thông tin cũng sẽ là cơ hội để cổ phiếu NH thu hút thêm sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Mỗi NH đều đang có những tính toán trong việc cải thiện lợi nhuận dựa trên điều kiện thực tiễn và khả năng bứt phá của đơn vị mình. Theo đó, bên cạnh đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, NHNN, các NH còn đặt ra mục tiêu cụ thể hướng sự tập trung vào những phân khúc khách hàng tiềm năng.
Tại ĐHCĐ vừa diễn ra, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho hay, năm 2017 với việc đưa Công ty Tài chính Tiêu dùng SHB vào hoạt động từ quý II/2017 (dự kiến sẽ có lãi từ quý III/2017) sẽ đóng góp rất lớn vào tăng trưởng lợi nhuận của NH, với kế hoạch lợi nhuận trên 100 tỷ đồng. Theo ông Hiển, khi thế mạnh của SHB là có nhiều khách hàng là các tập đoàn, tổng công ty lớn, nếu kết hợp với thế mạnh hoạt động bán lẻ của Công ty Tài chính Tiêu dùng SHB thì rất dễ dàng tăng trưởng bán lẻ cho khách hàng bán buôn.
Một số NH khác cũng có những kế hoạch nhằm đa dạng hoá nguồn thu từ dịch vụ, giảm gánh nặng thu từ tín dụng, tạo ra một tỷ lệ hợp lý giữa tín dụng và phi tín dụng. Điều này góp phần giảm thiểu rủi ro, tiết giảm chi phí dự phòng, hỗ trợ cho lợi nhuận tăng trưởng. Đơn cử như LienVietPostBank xác định mục tiêu chiến lược 2017 là phát triển Ví Việt. Kế hoạch của NH này là mở rộng mạng lưới hơn 10.000 điểm kinh doanh chấp nhận thanh toán Ví Việt, hơn 11.000 đại lý Ví Việt trên cả nước...
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2017 đối với các TCTD và chi nhánh NH nước ngoài tại Việt Nam, do Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) công bố, các TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế năm 2017 tăng trưởng mạnh hơn so với năm 2016. Trong đó, 90,4% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng so với năm 2016. Kỳ vọng mức tăng trưởng bình quân toàn hệ thống của TCTD tại cuộc điều tra lần này cũng cao hơn so với kỳ vọng của các TCTD tại cuộc điều tra tháng 12/2016.