Hà Nội: Tín dụng 4 tháng ước tăng 3,62%
Ảnh minh họa |
Theo đó, thực hiện chỉ đạo NHNN Việt Nam và UBND thành phố, các TCTD trên địa bàn đã tích cực thực hiện các biện pháp tăng trưởng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đã được cải thiện, các TCTD tiếp tục sàng lọc, lựa chọn cho vay đối với những khách hàng có tín nhiệm, ngành nghề rủi ro thấp, để đảm bảo an toàn tăng hiệu quả hoạt động. Đồng thời triển khai các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, dự án phát triển kinh tế của địa phương để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.
Dự kiến đến 30/4/2017, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn đạt 1.515.701 tỷ đồng, tăng 3,62% so với cuối năm 2016. Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1.163.271 tỷ đồng, chiếm 76,7% và tăng 4,11%, dư nợ trung và dài hạn tăng 4,38%, dư nợ ngắn hạn tăng 3,77%, dư nợ cho vay bằng VND tăng 3,96%; dư nợ cho vay bằng ngoại tệ tăng 5,27% so với 31/12/2016.
Đặc biệt, các NHTM và chi nhánh NHTM trên địa bàn Hà Nội đã cam kết cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp 309.095 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt 282.310 tỷ đồng. Trong đó cho vay mới là 219.723 tỷ đồng; dư nợ do điều chỉnh lãi suất khoản vay cũ, gia hạn hợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, nâng hạn mức tín dụng là 62.587 tỷ đồng.
Liên quan đến hoạt động huy động vốn, NHNN Hà Nội cho biết, các TCTD trên địa bàn đã sử dụng nhiều biện pháp đẩy mạnh huy động vốn đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, khách hàng, các nhu cầu đầu tư khác cũng như tính thanh khoản.
Đáng chú ý, để đáp ứng quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo Thông tư số 06/2016/TT-NHNN, một số ngân hàng phải tăng cường huy động vốn trung và dài hạn từ nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư và phát hành chứng chỉ tiền gửi do đang gần chạm trần trong tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, nhằm mục đích tăng hệ số CAR và đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án đã cam kết tài trợ dài hạn. Lãi suất phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn khá cao khoảng 8,2%-8,9% tùy vào thời hạn từ 18, 24, 36 tháng đến 5 năm, 7 năm. Bên cạnh đó còn có một số ngân hàng đưa ra lãi suất từ 8% trở lên với thời hạn ngắn từ 6 tháng – 18 tháng.
“Tuy nhiên đây chỉ là cục bộ tại một số ngân hàng nhỏ nên không gây ảnh hưởng lớn đến toàn hệ thống ngân hàng cũng như mặt bằng lãi suất trên thị trường”, Cơ quan quản lý tiền tệ trên địa bàn Hà Nội cho biết.
Cũng theo NHNN Hà Nội, dự kiến đến 30/4/2017, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 1.680.224 tỷ đồng, tăng 2,18% so với 31/12/2016. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 2,86%, tiền gửi thanh toán tăng 1,76% so với 31/12/2016.
Theo NHNN Hà Nội, hiện lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,2-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức từ 4,4-5,5%/năm; kỳ hạn từ 6 - 12 tháng phổ biến ở mức 5,4-7%/năm; đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên phổ biến ở mức 6,5-8%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Mặt bằng lãi suất cho vay VND đối với một số khách hàng kinh doanh tốt thuộc các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, ở mức 9-10%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. |