Đẩy mạnh tiết kiệm kích thích tăng trưởng kinh tế
Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Tuần lễ tiết kiệm thế giới lần đầu tiên tại Việt Nam do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khởi xướng, phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức.
ThS. Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược Ngân hàng; bà Đào Mai Hoa, Phó Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo, chuyên viên các ban trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các bộ, ban ngành; đại diện vụ, cục chức năng NHNN...
Toàn cảnh hội thảo |
Phát biểu mở đầu hội thảo, ThS. Phạm Xuân Hoè, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết: Ngày tiết kiệm thế giới được tổ chức chính thức từ năm 1925 với ý nghĩa giáo dục về tài chính toàn diện cũng như khuyến khích người dân tiết kiệm. Tiết kiệm để tích luỹ cho cuộc sống, bảo đảm cho những rủi ro có thể xảy tới, đặc biệt là việc gửi tiết kiệm thông qua hệ thống ngân hàng.
Bàn về vấn đề tiết kiệm, bà Lê Thị Thuỳ Vân, Trưởng Ban Kinh tế, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng có 6 nhân tố ảnh hưởng đến đến tiết kiệm của nền kinh tế cũng như dân cư. Đó là thu nhập, xã hội, tự do hoá tài chính, lãi suất, thuế, trợ cấp xã hội. Bà Vân cũng cho hay, từ sau năm 1996, quy mô tiết kiệm của Việt Nam không ngừng tăng nhanh; từ mức 20,4% GDP vào năm 1996 tới 29,5% vào năm 2001, đạt mức cao nhất 35,6% GDP vào năm 2006 trước khi bước vào giai đoạn giảm sâu và dao động quanh mức 30% GDP từ năm 2010 tới nay.
So với mức tiết kiệm trung bình của thế giới, dao động quanh mức 24,5% GDP trong giai đoạn này thì tỷ lệ tiết kiệm trên tổng GDP của Việt Nam đang ở mức cao. Tuy nhiên, so với các nước trong khối ASEAN, tỷ lệ tiết kiệm này của Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn hoặc ngang bằng. Thêm nữa, ở gốc độ đầu tư, Việt Nam cũng thuộc nhóm cao nhất trên thế giới trong những năm gần đây. Điều này cho thấy Việt Nam sẽ phải cần nguồn tiết kiệm bổ sung từ bên ngoài để tài trợ cho nhu cầu đầu tư trong nước.
Đa số diễn giả tại Hội thảo đều đồng tình với quan điểm hễ nhắc tới tiết kiệm là nói tới vai trò của người phụ nữ như “tay hòm chìa khoá” trong gia đình, hay tổ chức.
Đại diện Quỹ Hợp tác quốc tế các Ngân hàng Tiết kiệm Đức, ông Joerg Teumer Dịch chia sẻ, dịch vụ tài chính cho phụ nữ là một cơ hội lớn mở ra cho các ngân hàng. Theo đó, trong khi có rất nhiều những sản phẩm tài chính đa dạng, nhưng với phụ nữ, họ cần một loại hình dịch vụ khác mang tính chất cá nhân hơn. Ông Teumer nhận thấy để có thể triển khai được việc này hiệu quả, các tổ chức tài chính phải lựa chọn và đào tạo đúng nhân sự mà những người này có thể thấu hiểu hoàn cảnh và nhu cầu của mỗi phụ nữ, biết lắng nghe, và cùng với phụ nữ bàn bạc và quyết định giải pháp tài chính tốt nhất cho từng trường hợp.
Một trong những giải pháp tiết kiệm được nhắc tới tại Hội thảo là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm cho Tổ viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và truyền thông, NHCSXH cho rằng đây là một trong những công cụ hữu ích cho người nghèo. Vào những năm 2000, khi hầu hết người nghèo ở Việt Nam mong muốn tham gia vào hệ thống tiết kiệm, nhưng thực tế lại gặp khó khăn tìm được tổ chức đáng tin cậy, thuận lợi.
Trước thực trạng đó, NHCSXH đã tiến hành nghiên cứu và thí điểm triển khai sản phẩm tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV. Theo đó, giao dịch tiền gửi được thực hiện tại điểm giao dịch xã vào ngày giao dịch cố định trong tháng. Mức tiền gửi theo thoả thuận của các thành viên trong tổ. Tiền gửi tiết kiệm đã có tác dụng thúc đẩy các thành viên của tổ thực hiện tiết kiệm để trả nợ gốc, lãi. Và sau 9 năm triển khai, qua nhiều lần nghiên cứu cải tiến, sản phẩm này có thể được coi là sản phẩm tiền gửi ưu việt nhất dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Từ số dư tiền gửi hơn 1.300 tỷ đồng vào năm 2011, đến 31/8/2016 đã tăng lên hơn 4.800 tỷ đồng.
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến, kinh nghiệm của các diễn giả, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã được chia sẻ và trao đổi thẳng thắn. Qua đó, đưa ra những đề xuất, giải pháp để nâng cao tỷ lệ tiết kiệm trong dân cư và khuyến khích các hộ dân nghèo, các tầng lớp trung lưu tham gia vào lĩnh vực tài chính, củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính NH Việt Nam.