Đẩy nhịp cải thiện môi trường kinh doanh
Không chỉ nhanh chóng xây dựng Chương trình hành động thực hiện Quyết định 1355/QĐ-NHNN, 4 NHTM Nhà nước (VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV) đang dần hiện thực hoá bằng các hành động, sản phẩm cụ thể dù thời gian triển khai mới hơn 3 tháng.
“Điều này cho thấy, các đơn vị đã nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm và ý nghĩa trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của ngành NH, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận sau đợt kiểm tra việc thực hiện Quyết định này của NHNN tại 4 NHTM những ngày cuối tuần qua.
Biến kế hoạch thành sản phẩm
“NH cũng là DN, đối tượng thụ hưởng Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ cũng như Kế hoạch hành động của NHNN. Nhưng với vai trò NHTM Nhà nước chủ lực, đi đầu trong việc thực thi chính sách tiền tệ của NHNN cũng như chỉ đạo điều hành của Chính phủ và NHNN, thời gian qua các NH đã ý thức được vai trò và cộng đồng trách nhiệm của mình, triển khai tích cực và có kết quả các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của DN cũng như người dân”, Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng cùng chung tâm tư của các lãnh đạo 4 NHTM Nhà nước trong thời gian qua.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ đạo hội nghị |
Ngay như những ngày đầu tháng 10 này, 4 NHTM Nhà nước công bố điều chỉnh lãi suất cho vay giảm từ 1-1,5%/năm cho các đối tượng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên…
Trong đó, BIDV, Vietcombank, VietinBank đều chung mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn 6%/năm, đưa mặt bằng lãi suất về mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đồng thời, mức trần lãi suất ưu đãi hướng tới cả đối tượng được coi là “yếu thế” trong tiếp cận tín dụng đó chính là DN khởi nghiệp. Các chương trình tín dụng liên kết, vay theo chuỗi cũng là những sản phẩm giúp DN vay vốn với chi phí thấp hơn.
Đặc biệt từ ngày 1/11/2016, Agribank sẽ dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng cho vay từ DN, hợp tác xã đến chủ trang trại… thực hiện chương trình “Nông sản sạch - Con đường nông sản Việt Nam với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5-1,5% mức cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tăng trưởng mạnh vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các ngành nghề, DN thuộc đối tượng Chính phủ ưu tiên khuyến khích phát triển. Với các DNNVV, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng như chiến lược phát triển kinh doanh cho thấy họ không còn là đối tượng “yếu thế”, kể cả DN siêu vi mô. Ví như VietinBank, dư nợ cho vay DNNVV đã chiếm 20% tổng dư nợ (tỷ lệ này năm 2015 chỉ là 14%).
Với BIDV, dư nợ cho vay DNNVV đến 30/9/2016 đạt 159,39 ngàn tỷ đồng, NH này dự kiến đưa con số tăng trưởng tín dụng khu vực này lên 179 ngàn tỷ đồng vào cuối năm, chiếm 24% tổng dư nợ. Đối với DN siêu nhỏ, dư nợ cho vay đã tăng 36% so với năm 2015 đạt 4.400 tỷ đồng. Riêng gói tín dụng khởi nghiệp thành công start-up, dù mới triển khai từ tháng 6 đến nay nhưng đã giải ngân 84 tỷ đồng cho 122 khách hàng được phê duyệt.
Phó tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC) Cao Văn Bình cho biết từ đầu năm đến nay, hệ thống các TCTD đã tích cực hỗ trợ DN mới và khởi nghiệp với 31.000 DN tiếp cận vốn lần đầu.
Việc tiết giảm chi phí cho DN của NH còn nhìn rõ qua kết quả đổi mới, cải tiến các quy trình, thủ tục cung cấp sản phẩm dịch vụ NH, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực phục vụ của đội ngũ nhân viên, thiết lập và vận hành hiệu quả hệ thống quản lý rủi ro.
Tại BIDV, với việc triển khai tích cực từ 2014 đến nay, thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cung cấp đáp ứng yêu cầu của khách hàng đã giảm từ 20-40%, tùy theo đặc thù quy trình/sản phẩm dịch vụ. Biểu phí khách hàng DN mới đã cắt bỏ nhiều loại phí như phí tư vấn/thu xếp/thẩm định dự án; bỏ phí duy trì hạn mức, điều chỉnh tăng, gia hạn hạn mức…
Tinh thần hỗ trợ DN càng rõ trong việc các TCTD “nhường cơm, sẻ áo” cho các DN gặp khó khăn bằng việc cơ cấu nợ, miễn giảm lãi nhằm tạo điều kiện cho các khách hàng giảm bớt năng lực tài chính, khôi phục ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, 9 tháng đầu năm Agribank miễn giảm lãi trên 400 tỷ đồng; BIDV là 103,9 tỷ đồng lãi và phí…
Sẽ thêm nhiều hành động mới
Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê (NHNN) Tô Huy Vũ ấn tượng với tỷ lệ cho vay không tài sản đảm bảo của 4 NHTM từ 20 đến trên 50%. Lãnh đạo 4 NHTM cho biết, xếp hạng tín dụng của DN càng cao, tỷ lệ tài sản đảm bảo nợ vay càng giảm. Khi DN có mức xếp hạng từ A+ trở lên, tỷ lệ tài sản đảm bảo tối thiểu cho khoản vay là 0%. Các sản phẩm cho vay theo chuỗi, cho vay liên kết cũng giúp cho các DN giảm tỷ lệ tài sản đảm bảo trong các khoản vay tín dụng.
“Tỷ lệ cho vay không có tài sản đảm bảo là một nội dung quan trọng trong việc nâng cao chỉ số tiếp cận tín dụng quốc gia. Thực tế tại các NHTM càng cho thấy các tổ chức quốc tế chưa đánh giá hết những nỗ lực cải cách của NHNN cũng như các TCTD trong việc thực hiện cho vay không có tài sản đảm bảo”, ông Vũ nhìn nhận và cho biết sẽ làm rõ hơn với các tổ chức này để cải thiện hơn nữa chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam.
Cùng với đó, 4 NHTM Nhà nước đã và đang ráo riết thực hiện các mục tiêu mà NHNN đã đặt ra trong việc thực hiện Quyết định 1355/QĐ-NHNN, với đích đến là có những sản phẩm cụ thể và kết quả thực hiện cụ thể ngay từ năm 2016. Tổng giám đốc BIDV Phan Đức Tú cam kết sẽ tiếp tục cắt giảm từ 20-30% thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cung cấp đáp ứng yêu cầu của khách hàng tùy theo quy trình nghiệp vụ.
VietinBank đã gấp rút hoàn thành dự án Nhà máy cho vay đục lỗ trong năm 2017. Đây được xem là một cuộc cách mạng trong cho vay tiêu dùng, đặc biệt là với các DN siêu vi mô, khi thời gian giải quyết hồ sơ thay vì 2 ngày sẽ chỉ còn tối thiểu 30 phút.
Tuy nhiên thực tế kiểm tra cho thấy, thời gian qua các TCTD đã cải cách rất nhiều và có nhiều biện pháp hỗ trợ, nhưng vẫn xảy ra vấn đề bất đối xứng thông tin, nhiều DN, người dân chưa biết.
Chính vì vậy, một trong những nội dung trọng tâm mà Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặt ra cho các NHTM chính là việc các TCTD hoàn thành việc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để DN và người dân biết về thủ tục cung cấp dịch vụ đối với khách hàng, đặc biệt là thủ tục hồ sơ trong quan hệ vay vốn của DN và người dân với NH bao gồm: trình tự các bước thực hiện; yêu cầu, thành phần và số lượng hồ sơ; thời hạn giải quyết; lãi suất cho vay.
“Làm sao để đến cuối năm nếu có DN nói rằng không vay được vốn thì có thể truy đến cùng xem DN không vay được vốn vì NH gây khó dễ, hay vì không đủ điều kiện vay vốn”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Một vấn đề khác là lãi suất, phí. Vừa qua, 4 NHTM Nhà nước và nhiều TCTD đã công bố giảm, nhưng phải giảm thật và cũng cần thông tin để công chúng biết. Đặc biệt, là phí chỉ có giảm, không tăng. Vấn đề trọng tâm nữa là các NHTM cần xây dựng chiến lược quan hệ với khách hàng trong đó cần mở rộng việc tham gia kết nối DN trong các chương trình kết nối NH-DN của NHNN, cũng như phát huy các chương trình riêng mang bản sắc của từng NH trong thời gian qua.
Đồng thời, tăng hiệu quả xử lý các vướng mắc, hỗ trợ hoạt động của NH. Cùng với đó, các NH cũng cần đưa công nghệ vào hoạt động để tạo thuận lợi hơn cho khách hàng. Nâng cao hình ảnh thương hiệu, tăng chất lượng dịch vụ thông qua cải cách liên quan đến con người; tăng cường truyền thông…
Và cũng để hỗ trợ các TCTD thực hiện hiệu quả Quyết định 1355/QĐ-NHNN, Phó Thống đốc cho biết sẽ tập hợp các kiến nghị trong đợt kiểm tra này, giao cho các đơn vị chức năng xử lý, để các TCTD cũng được thụ hưởng những quyền lợi từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35. Về phía NHNN, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý sẽ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải quyết các vướng mắc để tiếp sức cho các NH hỗ trợ DN.