Đẩy vốn cho DN sử dụng công nghệ cao
Dư nợ cho vay tăng
Trong những thống kê gần đây của NHNN, nhu cầu vay vốn kỳ hạn dài của DN đang có xu hướng phát triển. Trong đó, những dự án tiết kiệm năng lượng được các NHTM cam kết giải ngân vốn cũng tăng nhanh đáng kể. Đặc biệt, các NH gần đây đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng để có thêm nguồn vốn cho vay trung, dài hạn. Diễn biến mới này cho thấy sự phục hồi sản xuất của DN sau nhiều năm hoạt động sản xuất bị đình trệ.
Ứng dụng công nghệ cao trong đầu tư là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên vốn giá rẻ |
Theo nhiều lãnh đạo NHTM, điều này có được vì từ đầu năm, một số NH đã tập trung tìm kiếm khách hàng, tăng hạn mức cho vay vốn trung và dài hạn. Đồng thời, NH cũng đẩy mạnh hoạt động triển khai gói cho vay ưu đãi phát triển dự án tiết kiệm năng lượng. Chẳng hạn, riêng BIDV, ngay từ đầu năm, NH này đã giải ngân khá nhiều hợp đồng cho các khách hàng có dự án tiết kiệm năng lượng tốt. Techcombank cũng vậy, gần đây, NH này còn triển khai hẳn một gói giải pháp dành riêng cho các DN kiểm toán năng lượng, với những ưu đãi đặc biệt để thu hút sự chú ý của các DN.
Theo dự báo, tỷ trọng cho vay trung và dài hạn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, vì số lượng DN tham gia dự án tiết kiệm năng lượng cần nguồn vốn vay ngày càng tăng.
Đơn cử, Trung tâm Khuyến công tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đang thực hiện rất nhiều dự án hỗ trợ phát triển các mô hình tiết kiệm năng lượng để phấn đấu tiết kiệm từ 5-7% tổng mức tiêu thụ năng lượng. Để làm được điều đó, Trung tâm cần NH hỗ trợ 3 tỷ đồng để xây dựng 8 đề án sử dụng năng lượng mặt trời, tạo nguồn điện sinh hoạt ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngoài ra, Trung tâm cũng cho biết việc sử dụng nguồn khí sinh học từ hầm biogas để chạy máy phát điện hay đun, nấu cũng là một giải pháp hữu hiệu mang lại nhiều giá trị kinh tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và tiết kiệm năng lượng, nhất là ở những trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Tương tự, CTCP Nhựa Tiến Thịnh cũng đang triển khai giải pháp sử dụng năng lượng tối ưu giúp giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện dự án này lên tới 5 tỷ đồng, Tiến Thịnh quyết định sẽ vay vốn NH để thực hiện đề án.
Hạ lãi suất ngay khi có thể
Ở lĩnh vực cho vay mới này, mặc dù thấy được tiềm năng, song vẫn có ý kiến cho rằng NH đang có “thủ thuật”. Bởi trong bối cảnh nợ xấu vẫn tăng, việc các NH tham gia chương trình là hình thức đẩy rủi ro sang các đối tác phát triển. Tuy nhiên, khi trao đổi, lãnh đạo các NH khẳng định hoàn toàn không có việc này, mà là sự hợp tác “hai bên cùng thắng”.
Ở đây, DN tham gia dự án sẽ được Chính phủ hỗ trợ giải quyết hiệu quả vấn đề tiết kiệm năng lượng, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị thương hiệu. Tất nhiên, các NH tham gia chương trình cũng có thêm động lực triển khai các dự án cho vay với DN.
Nhiều DN xây dựng dự án sử dụng năng lượng mặt trời cho nhà máy |
Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó tổng giám đốc BIDV, các DN tham gia dự án tiết kiệm năng lượng có cơ sở để phát triển bền vững. Bởi chỉ cần DN đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (RE) tại Việt Nam, DN ngay lập tức có thuận lợi hơn trong việc nhập thiết bị công nghệ cũng như bán sản phẩm cho khách hàng sau khi FTA EU-Việt Nam được ký kết.
“Chúng tôi cũng triển khai cho vay theo cơ chế thương mại thông thường, mức lãi suất phụ thuộc vào từng khách hàng, từng dự án cụ thể. Với những dự án mà BIDV thẩm định tốt sẽ được ưu đãi hơn so với lãi suất trung và dài hạn đang áp dụng hiện nay là 9 - 11%”, ông Lâm cho biết.
Lãnh đạo Techcombank cũng chia sẻ, ngoài ưu đãi về lãi suất, gói tín dụng của NH này dành cho DN tiết kiệm năng lượng còn có các ưu đãi khác như thời hạn khoản vay lên đến 24 tháng, phương thức trả gốc và tài sản đảm bảo linh hoạt, thủ tục nhanh gọn. “Việc sử dụng gói giải pháp này, DN của Techcombank sẽ có cơ hội nhận được gói hỗ trợ đặc biệt từ Quỹ Môi trường xanh (GCTF) do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ tài chính không hoàn lại và bảo lãnh tín dụng để đầu tư mới hoặc thay thế các dây chuyền công nghệ mới nhằm tiết kiệm năng lượng”, vị lãnh đạo này nói thêm.
Đánh giá về các gói tín dụng cho vay dự án tiết kiệm năng lượng lãi suất thấp, TS. Lê Đạt Chí thừa nhận, những năm trước, nền kinh tế có sức mua kém, hàng tồn kho cao, lãi suất cao, muốn tăng trưởng, DN trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ cao, điện năng… đòi hỏi phải tính đến chuyện tái cấu trúc DN, mở rộng sản xuất và sản phẩm tạo ra phải được mua.
Để làm được điều đó, trước hết phải tính đến chuyện cắt giảm chi phí, cụ thể là giảm chi phí năng lượng. Theo một thống kê của Hội kiểm toán Anh, hàng năm, có tới 82% công ty trong Fortune 500 tham gia kiểm toán năng lượng và nhờ đó có thể cắt giảm chi phí sử dụng nhiên liệu, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Rõ ràng, cùng với các cam kết mở cửa thị trường với quốc tế sẽ là cơ sở cho DN thay đổi. Bởi chi phí về năng lượng giảm giúp DN tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực, đồng nghĩa với lợi nhuận DN tăng lên. Ngược lại, nếu các DN trong nước vẫn “thu mình” với nguồn vốn, không dám đầu tư dài hơi cho sự tăng trưởng thì sẽ đối mặt với nguy cơ bị đào thải…
5 nhóm lĩnh vực ưu tiên bố trí vốn với lãi suất thấp hiện nay bao gồm: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao. Hiện 5 nhóm lĩnh vực này được hưởng lãi suất khoản vay ngắn hạn bằng VND tối đa 7%/năm và không quá 9%/năm đối với khoản vay trung dài hạn. |