Để có một hệ thống ngân hàng đủ mạnh
Phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên | |
Điều hành CSTT có những tiến bộ vượt bậc | |
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt |
Một trong những thành công của NHNN trong năm 2016 được Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Trần Du Lịch đánh giá, là đã hài hoà được những mâu thuẫn để đạt mục tiêu lớn.
Tuy nhiên, mục tiêu mà Nghị quyết Quốc hội đặt ra đối với ngành NH rất thách thức, vì vậy, NHNN tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, xem đây là mục tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trong năm 2017 và những năm tiếp theo.
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng thẳng thắn cho biết, trong quá trình thực hiện điều hành chính sách đa mục tiêu, đôi khi có những mâu thuẫn, nhưng NHNN vẫn phải cân đối hài hoà đảm bảo lợi ích chung trong nền kinh tế. “NHNN xác định đây là nền tảng, điều kiện tiên quyết giúp kinh tế phát triển bền vững hơn”, lãnh đạo NHNN nhấn mạnh. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại năm 2017, tình hình kinh tế khó khăn và bất định hơn năm 2016 rất nhiều, chắc chắn sẽ tác động đến điều hành CSTT.
Cái khó trong điều hành CSTT năm 2017 mà TS. Trần Du Lịch tỏ ra lo ngại nhất, là phải ổn định giá trị đồng tiền trong tình thế thế giới biến động rất khó dự báo, rồi vấn đề kéo giảm lãi suất trước áp lực đồng USD tăng giá... Với một thế giới biến động mạnh như vậy, làm thế nào để có thể thực hiện cũng như duy trì quá nhiều mục tiêu là điều không dễ dàng.
Đồng tình với những băn khoăn của TS. Lịch, một thành viên khác của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Võ Trí Thành chia sẻ thêm: Áp lực đối với NHNN cũng dễ hiểu bởi vai trò của CSTT đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam rất lớn. Khi mà hệ thống tài chính Việt Nam về cơ bản vẫn dựa vào hệ thống NHTM.
Tuy nhiên, TS. Thành nhấn mạnh, cái gì quá cũng có thể gây hiệu ứng ngược. Và trong trường hợp này, NHNN đang phải thực hiện quá nhiều nhiệm vụ mà đáng lẽ là của bộ, ngành khác. Điển hình là các gói tín dụng chính sách hỗ trợ trong nền kinh tế mà Chính phủ đang định hướng thực hiện.
Theo vị chuyên gia này, việc triển khai các gói hỗ trợ phải được tính toán trong mục tiêu cơ bản của CSTT là kiểm soát được cung tiền, chất lượng tín dụng đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi CSTT phải “ôm” quá nhiều gói tín dụng chính sách như vậy, theo nhận định TS. Cấn Văn Lực, việc “phân vai”, nắn dòng tín dụng vào chỗ hiệu quả, kiểm soát chất lượng tín dụng tương đối khó khăn.
Cần giảm tải cho chính sách tiền tệ
Điểm mấu chốt đầu tiên là Chính phủ phải quan tâm đến sự cân bằng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Nếu Chính phủ đặt quá nhiều trọng trách vào CSTT mà thả lỏng chính sách tài khóa, thì sẽ mất cân đối chính sách, gây khó cho NHNN. Vì vậy, để có một hệ thống tài chính NH lành mạnh, nỗ lực tự thân của các NH là chưa đủ, nhất là khi mà tái cơ cấu, xử lý nợ xấu NH chưa được xử lý triệt để bởi còn vướng nhiều nút thắt, luật lệ chồng chéo, thì sự hỗ trợ đồng bộ của các chính sách khác từ Chính phủ đến các bộ, ngành là điều vô cùng quan trọng.
Ở góc độ khác, theo phân tích của TS. Thành, tái cơ cấu NH phải gắn với cải tổ, cải cách đầu tư công và các DNNN. Cũng để giảm tải cho CSTT, TS. Thành đề xuất phải tăng cường kỷ luật ngân sách. Cái gì thuộc về CSTT, cái gì thuộc về ngân sách cần phải phân định rõ ràng. Ví dụ, để đảm bảo tính thị trường cao của lãi suất, về nguyên tắc phần hỗ trợ phải là ngân sách, trừ những trường hợp ngoại lệ để một mình NHNN triển khai. Vì vậy, theo TS. Thành, cần có sự vào cuộc của các cơ quan trong việc phối hợp xử lý các vấn đề liên quan đến ngân sách.
Nhiều chuyên gia đề xuất, năm 2017 thị trường vốn cần phải được tập trung tái cơ cấu để giảm bớt gánh nặng vốn trung, dài hạn cho hệ thống NH. Nhất là khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các NH giảm xuống 50% theo quy định Thông tư 06, thì nguồn vốn này càng trở nên quý giá đối với các NH.