Điều hành CSTT có những tiến bộ vượt bậc
Thông điệp và hành động đầu Xuân | |
Điều hành CSTT nhằm kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý | |
Chính sách tiền tệ đón đầu |
TS. Lê Xuân Nghĩa |
Theo ông đâu là những điểm nhấn đáng chú ý trong trong điều hành CSTT của NHNN năm 2016?
Năm 2016 được các nhà phân tích trong nước và quốc tế đánh giá là một năm thành công tiếp theo của chính sách tiền tệ (CSTT). Lạm phát tiếp tục được duy trì ổn định, mặc dù sức ép lạm phát từ các yếu tố ngoài tiền tệ không nhỏ.
Trước hết, năm 2016 là năm giá hàng hóa thế giới vượt qua đáy và có xu hướng phục hồi, mặc dù tổng mức giá vẫn còn thấp so với trước khủng hoảng, nhưng so với 2015 đã tăng 16,7%. Một số giá hàng hóa cơ bản như xăng dầu, sắt thép, vật liệu từ hóa dầu đã tăng xấp xỉ 7% - 12%. Tuy giá hàng hóa thế giới phục hồi chậm nhưng cũng là yếu tố tạo ra sức ép chi phí đẩy vào chỉ số giá CPI qua hàng hóa nhập khẩu.
Năm 2016 cũng là năm Nhà nước tiến hành điều chỉnh đồng loạt giá dịch vụ y tế, giáo dục ở hầu hết các tỉnh với quy mô rất lớn. Có những dịch vụ tăng tới trên 400%. Mặc dù giá dịch vụ y tế, giáo dục chỉ chiếm trên dưới 7% tổng mức giá trong rổ hàng hóa tính CPI, nhưng với quy mô điều chỉnh lớn đã trở thành yếu tố tác động khá mạnh, chiếm tới 1,7% - 2,7% trong 4,5% tăng giá của năm 2016.
Chưa kể, do thiên tai như hạn hán, ngập mặn, lũ lụt ở nhiều địa phương đã tác động lớn đến tăng trưởng của ngành nông nghiệp (tăng trưởng gần 0% cả năm 2016) làm cho cung về lương thực, thực phẩm không còn dồi dào như trước. Giá hàng hóa nông sản có tăng nhưng không đáng kể do nguồn dự trữ từ những năm trước khá tốt song cũng có tác động đến tâm lý thị trường.
Trong bối cảnh như vậy, chỉ số CPI tính theo phương pháp truyền thống chỉ ở mức 4,2-4,5% là một thành công lớn của Chính phủ, đặc biệt NHNN đã duy trì được lạm phát cơ bản (lạm phát do yếu tố tiền tệ) ổn định ở mức 1,8-2,0%. Điều này cho thấy điều hành CSTT đã có những tiến bộ vượt bậc.
Nó không chỉ là một thành tựu của ý chí chống lạm phát mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặt thành mục tiêu hàng đầu, mà còn thể hiện tiến bộ về kỹ năng dự báo thị trường và sử dụng thành thạo hơn, chuyên nghiệp hơn các công cụ của CSTT như dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở, cửa sổ chiết khấu, tín phiếu NHNN…
Đây là điểm cốt yếu giúp giữ vững thanh khoản, ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái, tạo lòng tin lâu dài cho dân chúng, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đó cũng là yếu tố rất quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Điều hành CSTT năm 2017, điều hành giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện, giá xăng dầu cần được xem xét thận trọng |
Năm qua, thị trường thế giới có những biến động khá lớn. Ông đánh giá thế nào về cách thức và định hướng điều hành ngoại hối, tỷ giá của NHNN?
Việc điều hành tỷ giá hối đoái suy cho cùng vẫn là điều hành cung tiền nội tệ trên nền tảng của cán cân thanh toán quốc tế và tương tác với các đồng tiền chủ chốt khác của thương mại quốc tế.
Với cách thức điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, tỷ giá hối đoái năm 2016 về cơ bản là ổn định, mặc dầu cuối năm có một vài ngày biến động nhưng không lớn và so với cuối năm 2015 (sau đợt điều chỉnh để đối phó với sự giảm giá của đồng nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc và điều chỉnh lãi suất của Mỹ) chỉ tăng xấp xỉ 1%-2%. Mức tăng này của tỷ giá hối đoái cũng phù hợp với mức tăng của lạm phát cơ bản của Việt Nam (2%).
Xét về cung cầu, phải nói rằng năm 2016, Việt Nam đã thặng dư cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế. Trong đó đáng chú ý sự sụt giảm mạnh của khoản thâm hụt “lỗi và sai sót” có thể do giảm găm giữ ngoại tệ và một vài yếu tố khác như nhập lậu vàng…
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận, nếu NHNN không mua vào một khối lượng lớn dự trữ ngoại tệ (khoảng trên dưới 10 tỷ USD), tỷ giá hối đoái có thể giảm mạnh tức đồng Việt Nam tăng giá mạnh gây bất lợi cho xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế. Sự can thiệp kịp thời của NHNN giúp tỷ giá tiếp tục ổn định trong năm qua.
Sang năm 2017, tỷ giá hối đoái có thể chịu tác động của một số yếu tố nhưng không lớn như lạm phát tăng nhẹ; đồng USD tăng giá nhẹ so với các động tiền chủ chốt đặc biệt là đồng Euro và CNY. Tuy nhiên, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam dự báo tiếp tục thặng dư cộng với cơ chế điều hành tỷ giá dựa vào tỷ giá trung tâm theo nguyên tắc thị trường cho phép NHNN kiểm soát hoàn toàn chủ động những biến động có thể có của tỷ giá hối đoái với mục tiêu duy trì sự ổn định của CSTT.
Nhiều dự báo cho rằng, năm 2017 sẽ có những biến động ngày càng phức tạp trên thị trường tài chính quốc tế. Trong bối cảnh đó điều hành CSTT cần lưu ý những vấn đề gì?
Kiểm soát lạm phát, trên cơ sở đó ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái vẫn là mục tiêu hàng đầu của CSTT trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên năm 2017 có một số yếu tố quan trọng cần được lưu ý.
Đó là, nền kinh tế bước vào chu kỳ tăng trưởng ngắn hạn trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp. Hầu hết NHTW các nước tiếp tục thực hiện CSTT nới lỏng, kể cả Mỹ cũng sẽ điều chỉnh lãi suất nhỏ giọt trong khi xu thế bảo hộ mậu dịch có thể gia tăng. Vì vậy thương mại toàn cầu vẫn sẽ tăng trưởng chậm hơn tăng trưởng kinh tế.
Đây là lý do để NHNN có thể xem xét phục hồi trở lại cơ chế huy động tiền gửi và cho vay ngoại tệ theo nguyên tắc thị trường nhằm hỗ trợ mạnh mẽ cho xuất khẩu cũng như thu hút vốn từ bên ngoài vào Việt Nam. Hiện tại đã có những dấu hiệu phục hồi của lãi suất thị trường liên NH và lợi suất trái phiếu chính phủ. Điều này cũng phù hợp với các dẫn báo của chỉ số tài chính và chỉ số giá đầu vào của nền kinh tế.
Theo xu hướng đó, việc duy trì ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái sẽ chịu áp lực không nhỏ, nhất là vào nửa sau của năm 2017 trở đi. Vì vậy, việc điều hành CSTT, điều hành giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện, giá xăng dầu cần được xem xét thận trọng để có lộ trình thương lượng theo nguyên tắc thị trường linh hoạt có điều tiết hợp lý, tránh cản trở lẫn nhau giữa các chính sách dẫn đến những bất ổn không cần thiết.
NHNN đã có kế hoạch điều hành CSTT năm 2017 rất cụ thể trên cơ sở những mục tiêu đã được Quốc hội phê chuẩn. Mặc dù vậy, thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào nghệ thuật điều hành và kỷ luật thị trường.
Xin cảm ơn ông!